“Nghiên cứu văn hóa là công việc cả đời”

26/03/2016 12:15 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 25/3, trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần 9 tại công viên Lê Văn Tám, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã có buổi giao lưu, ra mắt ấn phẩm mới: “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai”.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chia sẻ về đứa con tinh thần mà ông tâm đắc nhất. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến

“Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Nhà nước với tiêu đề “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Công trình thuộc chương trình KX.04.15/11-15 - Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011 – 2015 do trường Đại học KHXH&NV TPHCM chủ trì và ĐHQG TPHCM chủ quản.

Đề tài do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm và thực hiện trong 3 năm đã được Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước họp ngày 7/1/2016 tại Hà Nội bỏ phiếu nhất trí 100% nghiệm thu ở mức xuất sắc.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phấn khởi chia sẻ về đứa con tinh thần mà ông tâm đắc nhất đến thời điểm hiện tại: “Công trình này là sự quan tâm trong suốt cuộc đời nghiên cứu của tôi từ cuốn sách đầu tiên là Cơ sở văn hóa Việt Nam đến hiện tại là Hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Hệ giá trị nói khác đi chính là toàn bộ văn hóa Việt Nam mà cốt lõi là bản sắc văn hóa. Tác phẩm Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam năm 1996 của tôi thực chất chỉ mới bắt đầu đi tìm và chưa thành hệ thống đầy đủ. Đến tác phẩm này đã trình bày 1 cách đầy đủ, toàn diện. Công trình này nói là thực hiện trong 3 năm, đó chính là 3 năm tôi tập trung nghiên cứu nhưng thực tế tôi đã theo đuổi nó hơn 25 năm và tôi xác định nghiên cứu văn hóa là công việc cả đời”.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” không chỉ phục vụ việc học tập, nghiên cứu chuyên ngành văn hóa học mà còn là một tác phẩm phù hợp cho nhiều đối tượng đặc biệt là những người quan tâm đến đời sống văn hóa Việt Nam.

Trong đó, ấn phẩm còn phân tích những thói hư tật xấu của người Việt trong văn hóa Việt một cách rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và cuốn hút. Đó là 1 mô tuýp của “Người Việt xấu xí” thích hợp cho nhiều đối tượng độc giả.

Có mặt tại buổi ra mắt sách và giao lưu cùng độc giả, TS. Nguyễn Khắc Cảnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&VN TPHCM đánh giá đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ nhưng không khó đọc như những tác phẩm nghiên cứu khác, ngược lại đây là 1 cuốn sách dễ xem, dễ hiểu.

“Nghiên cứu về văn hóa ít có một công trình nào đầy đặn như vậy. Cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta 1 bộ khung lí thuyết, lí luận đầy đủ để làm công cụ soi rọi vào văn hóa Việt Nam. Công trình đã khảo sát, nghiên cứu để hệ thống ra những giá trị truyền thống và đặc trưng, từ đó nêu lên những biến động của các giá trị trong bối cảnh, đời sống xã hội và cho đến hiện tại các giá trị nào còn tồn tại và mất đi. Công trình đã nêu lên 1 hệ thống giá trị Việt Nam một cách toàn diện, chặt chẽ, dễ hiểu. Với từng ấy kiến thức tôi đánh giá đây là một công trình hết sức đồ sộ, khoa học và mạch lạc”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&VN, TS. Nguyễn Khắc Cảnh nhận định.

Cuốn sách thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, giảng viên, sinh viên chuyên ngành văn hóa học tại các trường trên địa bàn Thành phố. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến

Buổi giao lưu thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, giảng viên, sinh viên chuyên ngành văn hóa học tại nhiều trường trên địa bàn Thành phố. Nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề văn hóa Việt Nam do các độc giả đặt ra lần lượt được GS.TSKH Trần Ngọc Thêm giải đáp.

Theo học chuyên ngành Văn hóa học nên Trịnh Thị Cẩm Nhung, sinh viên trường Đại học KHXN&NV TPHCM đặc biệt quan tâm đến những tác phẩm của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm. Theo cô sinh viên năm 2 bộc bạch, những tác phẩm về văn hóa của thầy Thêm thường được thể hiện rất khoa học, dễ đọc và dễ tiếp thu. “Sau hôm nay em cũng sẽ mua quyển này về “gối đầu giường” – Cẩm Nhung tâm sự.

Có mặt tại lễ ra mắt sách từ rất sớm, anh Nguyễn Thành Luân một học viên Cao học chuyên ngành Văn hóa học cầm quyển sách vừa mua xem một cách chăm chú. Anh Luân chia sẻ: “Mình trông chờ quyển sách này lâu rồi, hôm nay đến đây mua sách còn mua dùm cho các bạn khác nữa. Nhiều thầy khác cũng nghiên cứu về văn hóa Việt Nam theo mô hình truyền thống từ thực trạng đến giải pháp còn thầy Thêm nghiên cứu theo mô hình hiện đại: không gian và thời gian văn hóa. Theo mình thấy hiện nay hướng này rất dễ hiểu, khi đọc mình thấy các tác phẩm của thầy rất hệ thống, dễ tiếp thu hơn so với những sách khác. Mình thấy cấu trúc trình bày của thầy rất bài bản, các sinh viên xã hội nên học tập, tư duy theo hình thức này”.

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên tiếp cận sách, đại diện NXB Văn hóa – Văn nghệ  - Ths. Huỳnh Thị Xuân Hạnh cho biết: Nếu các trường cần sách nhà xuất bản sẽ có những chính sách ưu đãi hỗ trợ để giảng viên và sinh viên được mua sách với giá tốt nhằm phục vụ học tập và nghiên cứu.

Sinh viên mua sách có thể liên hệ tập trung với trường để trường đặt mua từ NXB hoặc các bạn có thể đăng ký theo nhóm và liên hệ trực tiếp với NXB. “Chúng tôi sẵn sàng giảm giá đến 40% để sinh viên có sách phục vụ việc học lâu dài, không phải đọc sách photo”  - Đại diện NXB Văn hóa khẳng định.

Ngọc Khuyến

Top