10 nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tại TPHCM

19/03/2021 4:17 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị “Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2021”.

Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại Hội nghị, thay mặt tổ công tác, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đã báo cáo dự thảo kế hoạch những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của TPHCM. Đây là nỗ lực của TPHCM nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01 năm 2021 của Chính phủ.

Theo dự thảo, TPHCM đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia để các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập trung thực hiện, gồm:

Nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính: Xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp có thể kiểm soát tiến độ thực hiện các thủ tục, vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý.

Tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các cơ quan chính quyền Thành phố với Hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Nhóm giải pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn: Ban hành Quyết định về cơ chế phối hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, bao gồm chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp đồng thời với chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc trong trường hợp đấu giá, đấu thầu thay thế Quyết định số 5166/QĐ-UBND ngày 02/10/2017 về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.

Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước giữa Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố các sở, ban ngành của Thành phố theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn lực đất đai: Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn; ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; triển khai các công việc nhằm hoàn thiện các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai; xây dựng chương trình, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, ưu tiên các dự án phát triển đô thị quy mô lớn (trên 10 ha). Tập trung triển khai Đề án “quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”…

Nhóm giải pháp về chuyển đổi số và khoa học công nghệ: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Thành phố; ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, nộp thuế thu nhập cá nhân trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung về quản lý doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố…

Nhóm giải pháp về đầu tư công: Thành phố sẽ ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL/BLT cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; trình HĐND thành phố phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025…

Nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng: Thành phố công khai các nội dung của đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân có thể khai thác thuận tiện, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận.

Triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn lao động: Tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ; có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi về làm việc tại Thành phố; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động..

Nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn lực tài chính: Thành phố đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thực hiện hiệu quả quy định về hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp…

Nhóm giải pháp về Thiết chế pháp lý, an ninh trật tự: Hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội…

Nhóm giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19: Thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn theo các Bộ tiêu chí an toàn Thành phố đã ban hành. Ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh COVID-19 năm 2021 với nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể của các sở, ban ngành nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan.

Lê Anh

Top