Ba bệnh viện cửa ngõ TPHCM đi vào hoạt động cuối năm 2024

28/03/2024 6:12 PM

(Chinhphu.vn) - Ba bệnh viện cửa ngõ TPHCM, gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng số vốn đầu tư xây dựng hơn 5.600 tỷ đồng dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024.

Ba bệnh viện cửa ngõ TPHCM đi vào hoạt động cuối năm 2024- Ảnh 1.

Khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi ngày 15/1/2021

Sở Y tế TPHCM cho biết, được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2021, với tổng số vốn đầu tư xây dựng hơn 5.600 tỷ đồng, các dự án bệnh viện tại các địa bàn cửa ngõ của TPHCM, gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp; cùng với đó, công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng đang được gấp rút triển khai để kịp hoàn thành, đưa các bệnh viện này đi vào hoạt động trong năm 2024.

Chủ đầu tư dự án cũng tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; thực hiện nghiêm việc xử phạt hợp đồng, đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ - kỹ thuật, phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo Sở Y tế TPHCM, trong quá trình triển khai, các dự án nhận được sự ủng hộ của ban ngành; sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thụ hưởng; nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm cao trong việc thực hiện thi công xây dựng công trình. 

Tuy nhiên, các dự án cũng đang gặp những khó khăn, như: thi công trong điều kiện các bệnh viện vẫn đang hoạt động khám chữa bệnh; việc tổ chức tháo dỡ và bàn giao mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu cho nhà thầu nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Liên quan tới công tác mua sắm trang thiết bị, với tổng số vốn đầu tư cho ba dự án hơn 4.300 tỷ đồng, Sở Y tế TPHCM cho biết công tác mua sắm đang được triển khai và sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2025. 

Để đảm bảo việc mua sắm thiết bị y tế vừa hiệu quả vừa tránh lãng phí, Thành phố đã giao Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên gia phản biện của ngành y tế để góp ý việc đầu tư trang thiết bị phù hợp với đặc điểm, tình hình, đúng với định hướng phát triển của từng bệnh viện.

Sau khi danh mục trang thiết bị của mỗi bệnh viện được Hội đồng chuyên gia phản biện, đóng góp ý kiến và đề xuất, việc mua sắm sẽ chia thành 2 đợt, phù hợp với tình hình thực tế, định hướng phát triển các chuyên khoa mũi nhọn, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị của từng đơn vị, đảm bảo trang thiết bị y tế được đầu tư, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

Ngọc Tấn

Top