Bàn về quản lý vỉa hè: Sao không mời người bán hàng rong, người giữ xe?

18/06/2020 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - TS Trần Kiên đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi trên tại hội nghị phản biện Dự thảo Quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè do Sở Giao thông vận tải TPHCM phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Thành phố, tổ chức sáng 18/6. Gia tăng tình trạng lấn chiếm vỉa hè sau dịch Covid-19

Nhiều tuyến đường ở TPHCM, vỉa hè và một phần lòng đường bị chiếm dụng khiến người đi bộ không còn lối đi. Ảnh: VGP

Nhiều điểm mới

Thành phố đã ban hành Quyết định 74/2008 về quản lý lòng đường, vỉa hè tuy nhiên sau 12 năm, thực tế thay đổi, các căn cứ xử lý của Quyết định này đã hết hiệu lực. Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) bắt đầu xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành quy định về Quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM.

Qua nhiều lần lấy ý kiến các sở, ban ngành, quận, huyện và các chuyên gia, Sở GTVT đã tiếp nhận 114 góp ý, trong đó có 44 ý kiến Sở bảo lưu đưa vào dự thảo.

Dự thảo Quyết định ban hành quy định về Quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM có 7 chương, 23 điều. Dự thảo được cho là có nhiều điểm mới, tiếp cận với nhu cầu thực tế.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Đại học Việt Đức cho rằng Dự thảo quy định rõ ràng 6 công năng sử dụng ngoài mục đích giao thông; có phân cấp, phân quyền quản lý cho các ban, ngành, cơ quan trong cấp phép, quản lý, giám sát, khai thác, phục hồi một phần lòng đường, vỉa hè… Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng Dự thảo còn thiếu một số công năng quan trọng và phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, như hoạt động như buôn bán hàng rong ở các tuyến/khu vực tập trung đông như Hồ Con Rùa, đường Pasteur; hay thiếu công năng tập kết rác hàng ngày của các đơn vị vệ sinh công cộng … ngoài ra, không gian vỉa hè ở các giao lộ cũng chưa được đề cập.

Dự thảo lần này có khuyến khích các hình thức xã hội hóa việc phát triển, đầu tư, khai thác sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho các mục đích ngoài giao thông nhưng theo ông Tuấn thì cơ chế khuyến khích, tiêu chí đầu tư chưa rõ ràng.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết từ 2008 thì có nhiều văn bản thay thế Quyết định 74 như Nghị định 100 năm 2013. Đến 2017 đã bàn Dự thảo và đến giờ chưa xong. Bà Hòa nêu quan điểm, phải thừa nhận nhu cầu thực tế, thực sự cần thiết sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè. Có những khu vực lòng đường, hè phố có thể sử dụng được một phần và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sử dụng có thu phí hay không? Nhiều người cho rằng thu phí là hợp thức hóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cần phải quản lý nhà nước như thế nào trong vấn đề này?… Đó là những vấn đề Luật sư Trương Thị Hòa đặt ra.

Đề cập những văn bản luật liên quan, bà Hòa khẳng định, về pháp luật, việc sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là không trái quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhưng quản lý như thế nào, và cần hiểu rõ khái niệm, đây là sử dụng tạm thời và một phần.

Ông Tạ Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ tổ chức buổi lắng nghe ý kiến đối tượng đang sử dụng vỉa hè để mưu sinh, kiếm sống. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tăng trách nhiệm của phường, xã

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị Dự thảo cần nói rõ trách nhiệm của UBND các phường, xã, thị trấn trong quản lý, cấp phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho đám tang, đám cưới. Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, xã, phường nào quản lý tốt thì vỉa hè, lòng đường nơi đó văn minh, trật tự.

“Hè phố nào là đặc thù được sử dụng một phần để kinh doanh, cần phải xác định rõ”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng đoàn Luật sư Thành phố đề nghị Dự thảo làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn để tránh tình trạng tiêu cực, để việc thu phí hài hòa lợi ích kinh tế, an toàn giao thông và quản lý đô thị. “Hiện còn tình trạng bảo kê cấp phép vỉa hè. Có những chiến dịch ra quân dành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng chưa đồng bộ. Ví dụ đường Nguyễn Du, quận 1 có những bãi giữ xe tự phát, cửa hàng thức ăn nhanh lấn chiếm vỉa hè, kể cả lề đường. Rất lộn xộn, bừa bãi rác thải ở ngay tuyến phố trung tâm…”, ông Hậu nêu bức xúc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Kỹ sư Đồng Văn Khiên cho rằng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào để hợp lòng dân. “Có những vỉa hè do nhà nước và nhân dân cùng làm, dân bỏ ra 50% kinh phí. Giờ cho người khác đến giữ xe thu phí là dễ sinh kiện cáo. Cho nên tổ chức thực hiện phải hết sức thận trọng”, ông Khiên đề nghị.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3 bày tỏ, quản lý sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là bài toán rất khó và cần có văn bản mới thay thế quyết định 74. Theo ông Bình, phạm vi điều chỉnh có mở rộng về đối tượng, thời gian, không gian nhưng có những hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng địa phương hoặc tức thời như lễ tết, người dân buôn bán một số mặt hàng mang tính thời điểm. Vì vậy thời gian cấp phép cần rút ngắn để  không vuột qua cơ hội kiếm sống của người dân.

Theo TS Trần Kiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cần tính đến tính khả thi của Dự thảo này. Ông Kiên cho rằng để văn bản sống được thì phải tính toán sự xung đột với các nhóm đang có lợi ích từ việc sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè. Đó là những người bán hàng rong, người gửi xe tự quản và những cán bộ công chức đang “bảo kê” sử dụng không gian này.

“Kinh nghiệm là phải công khai minh bạch về lợi ích, vị trí, quản lý, thẩm quyền thu phí và xử phạt. Có thể sử dụng cộng đồng dân cư trong việc quản lý, ở nhiều nơi khi giao cho cộng đồng dân cư quản lý thì tính công khai minh bạch tốt đến mức mà chính quyền địa phương phải học theo. Đối với người bán hàng rong, người giữ xe tự quản, họ cũng muốn làm ăn hợp pháp. Có hướng dẫn, đóng tiền ra sao, sử dụng phần nào, kê bao nhiêu bàn ghế thì họ cũng vui vẻ thôi”, ông Kiên gợi ý và băn khoăn tại sao những hội nghị lấy ý kiến như hôm nay lại không mời đối tượng bị tác động trực tiếp là những người bán hàng rong, người giữ xe tự quản.

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng thuận. Cần tổ chức lấy ý kiến trong cộng đồng dân cư, lắng nghe tiếng nói của những người bị tác động trực tiếp là bán hàng rong, giữ xe tự quản…

Ông Tạ Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT Thành phố cho biết, sở dĩ quá trình lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo kéo dài từ năm 2017 vì đây là một vấn đề liên quan đến thu nhập của nhiều người dân. Theo lãnh đạo Sở GTVT, quy định rõ ràng việc sử dụng vỉa hè vào các mục đích khác nhau cho phù hợp sẽ góp phần giúp các đơn vị, địa phương quản lý, khai thác vỉa hè tốt hơn. Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các buổi lắng nghe ý kiến, trong đó có đối tượng đang sử dụng vỉa hè để mưu sinh, kiếm sống.

Băng Tâm

Top