Báo cáo xuất nhập khẩu 2017: Doanh nghiệp muốn bức tranh toàn diện hơn

23/03/2018 3:51 PM

(Chinhphu.vn) - Cần thêm nhiều thông tin tham vấn cụ thể hơn cho DN về các hiệp định tự do thương mại, cũng như các dự báo về xu hướng, cơ hội hoặc thách thức trong giao thương với các đối tác thương mại lớn.

Mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc, trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng hiện cơ cấu xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.

Năm 2017: Bức tranh xuất khẩu đầy tươi sáng

Ngày 22/3 tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2017. Theo đó, thương mại Việt Nam đã trải qua một năm đầy tươi sáng với thành công vượt trội của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD (214,02 tỷ USD), tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương trước đó.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng chuyển biến theo hướng tích cực, đảm bảo định hướng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, hướng đến năm 2030. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỷ lệ hơn 81%, hàng nông-thủy sản chiếm hơn 12%; riêng xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản trước đây chiếm tỷ trọng lớn, nay chỉ còn 2%.

Xuất khẩu thành công đã đóng góp tích cực vào mức thặng dư tới 2,92 tỷ USD của cán cân thương mại 2017. Đây cũng là mức thặng dư cao nhất từ trước tới nay nhờ tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu thấp hơn mức tăng của xuất khẩu. Xuất siêu chủ yếu với các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe với hàng hóa như Hoa Kỳ, EU, Úc.

Hiện Việt Nam đã có tới 29 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; 8 mặt hàng có kim ngạch trên 7 tỷ USD. Đáng chú ý, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực đã có sự chuyển dịch cơ cấu rõ nét. Đó là nhóm hàng hóa chế biến chiếm tỷ trọng hơn 81%. Còn phía nhập khẩu chủ yếu là các nhóm hàng cần thiết cho sản xuất như máy móc thiết bị hay nguyên liệu chế biến hàng hóa.

Để báo cáo xuất nhập khẩu là sách “gối đầu giường”

Cũng tại buổi công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017, đại diện giới doanh nghiệp đã đề xuất Bộ Công thương bổ sung nhiều thông tin để bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam thực sự là cuốn sách “gối đầu giường” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên tỷ trọng hàng xuất đi chính ngạch bằng đường biển mới khoảng 56%, số đi theo đường tiểu ngạch vẫn còn đến 44%. Nhưng đây lại là con đường khó quản lý về chất lượng, hồ sơ hàng hóa. “Trong Báo cáo Xuất nhập khẩu 2018, đề nghị Bộ Công thương có thêm thông tin về xu hướng hoặc dự báo về những bất ngờ có thể xảy ra trong giao thương với Trung Quốc”, ông Hòe đưa ra đề nghị.

Còn ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TPHCM, cho rằng Báo cáo đã cho thấy nhiều con số đáng tự hào về xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng đã đến lúc báo cáo cần quan tâm đến chất lượng của sự tăng trưởng, tức giá trị gia tăng của xuất khẩu chứ không chỉ là kim ngạch. Ví dụ giá trị xuất khẩu sản phẩm ngành nhựa năm 2017 đạt 2,5 tỷ USD. Nhưng riêng nguyên liệu hạt nhựa nhập khẩu đã chiếm hết 2 tỷ USD – rõ ràng đây là tín hiệu đáng lưu tâm.

Người đại diện ngành Cao su - Nhựa TPHCM cũng tin là giới DN rất mong muốn có thêm thống kê xuất khẩu cụ thể theo từng địa phương. “Ví dụ, tỉnh nào xuất khẩu ngành nào, sản phẩm nào lớn nhất. Đây là con số rất cần cho các DN khi ra quyết định chọn khu vực đầu tư phù hợp về điều kiện tự nhiên, kho bãi, hạ tầng, chính sách địa phương”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều đại diện DN tin rằng Báo cáo Xuất nhập khẩu thường niên cần có thêm phần tham vấn đầy đủ hơn cho DN về các hiệp định tự do thương mại (FTA). Đây là cuộc chạy đua với thời gian, bởi lợi thế cho DN tại Việt Nam mà các FTA mang lại có thể không kéo dài quá lâu – chỉ đến khi các nước khác là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tham gia vào các FTA tương tự.

Ghi nhận hàng loạt đề xuất của giới DN, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay sẽ tiếp thu những ý kiến tăng cường thêm thông tin vào báo cáo thường niên các năm tới để có bức ảnh panorama rộng hơn nữa cho tình hình xuất nhập khẩu cả nước.

“Chúng tôi đang đặt ra tham vọng trong các kỳ xuất bản tới đây, sẽ có thêm các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng để DN bên cạnh chuyện tìm hiểu số liệu cụ thể các mặt hàng thì có thể theo dõi diễn biến những mặt hàng đó theo thời gian”, ông Khánh tiết lộ thêm.

Ngoài ra, trước lo ngại của giới DN về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu đã tồn tại 70 năm qua khó mà xoay chuyển ngay để thích nghi với các chính sách bất ngờ của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với quan điểm của hầu hết thành viên WTO là ưu tiên cho đối thoại, chắc chắn hệ thống này sẽ tìm ra được giải pháp để vượt qua tác động bất lợi hiện nay.

Riêng với Việt Nam, về lâu dài vẫn phải “tự cường”, tức DN và cả nền kinh tế cần sản xuất ra sản phẩm với giá thành thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Không chỉ lo tìm kiếm đầu vào rẻ và khai phá thị trường mới, DN cũng cần quan tâm hơn đến quản trị để có thể vững mạnh hơn khi ra “gió”. Trong quá trình đó Chính phủ chắc chắn sẽ đồng hành cùng DN với cam kết “chính phủ kiến tạo để phát triển”.

Phương Hiền

Top