Báo chí cần được xem là ‘người trong cuộc’

20/06/2018 8:09 AM

(Chinhphu.vn) - Tại tọa đàm Báo chí – Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng Thành phố, vì cả nước trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 54 (NQ 54) của Quốc hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức, đại biểu nhiều cơ quan báo chí cho rằng họ cần được xem là người trong cuộc thay vì chỉ giữ vai trò người quan sát đưa tin như hiện tại.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Báo chí chưa được chủ động trong tuyên truyền

TPHCM hiện có 38 cơ quan báo chí gồm 16 báo, 20 tạp chí, một đài phát thanh và một đài truyền hình. Ngoài ra còn có 142 cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đang trú đóng tại thành phố tạo nên một nguồn lực rất mạnh cho công tác tuyên truyền thông tin.

Chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm trên internet với cụm từ “cơ chế thí điểm phát triển TPHCM”, ngay lập tức cho ra hơn 5.700.000 thông tin liên quan đến vấn đề này. Như vậy, có thể thấy được sự vào cuộc của hệ thống báo chí tại TPHCM đối với những vấn đề quan trọng của thành phố, trong đó có cả NQ54.

Thế nhưng, đứng ở góc độ của người làm báo, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng: từ năm 2017 đến nay, việc tuyên truyền thông tin nhiều vấn đề liên quan đến NQ 54 cũng như những thông tin về quá trình triển khai nghị quyết này của các cơ quan báo chí nhiều lúc vẫn bị động vì phải làm theo lịch mời của các cơ quan ban ngành của thành phố.

“Thực sực báo chí chưa được chủ động trong công tác tuyên truyền. Báo chí phải chờ sự kiện diễn ra chứ chưa chủ động đầu tư tổ chức nội dung hoặc những đề tài đúng tầm, đúng bản chất vấn đề. Chúng tôi luôn dặn các phóng viên của mình cần đầu tư đề tài theo hướng báo chí phân tích, giải pháp chứ không dừng lại ở báo chí phản ánh, tường thuật một cách đơn giản. Thế nhưng nhiều lúc anh em lực bất tòng tâm vì chưa được xem là người trong cuộc khi tiếp cận với các chủ trương, chính sách lớn của TPHCM cũng như của đất nước”, ông Trung phân tích thêm.

Chính vì chưa được xem là người trong cuộc nên đa phần các phóng viên, biên tập viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đầy đủ nguồn tin, đặc biệt đối với các vấn đề nhạy cảm hoặc nội dung mang tính phản biện cao. Riêng với NQ54, điều này thể hiện ở chỗ nội dung tuyên truyền ở nhiều báo còn khá khô khan theo kiểu “đăng toàn văn” chứ rất ít bài đào sâu nghiên cứu, phân tích tạo nên góc nhìn đa chiều để người dân hiểu thấu đáo hơn các vấn đề lớn của thành phố.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, mặc dù NQ 54 đã được thông qua từ tháng 11/2017 nhưng đến nay thông tin về triển khai nghị quyết này vẫn dừng ở mức… đưa theo các sự kiện và phân mục, chuyên mục riêng với phần thể hiện thiếu hấp dẫn nên rất khó thu hút đông đảo người dân quan tâm.

Sẽ phải thay đổi

Đề xuất hướng để đẩy mạnh hơn nữa chất lượng tuyên truyền cho NQ 54 nói riêng và những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM trong tương lai nói chung, đại diện nhiều cơ quan báo chí cho rằng họ cần phải được xem là người trong cuộc thay vì chỉ giữ vai trò người quan sát đưa tin như hiện tại.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ lý giải: “Tất nhiên không phải vấn đề nào khi được biết với tư cách là người trong cuộc thì báo chí cũng đều đưa hết lên mặt báo. Nếu là người trong cuộc, nắm rõ bản chất vấn đề chúng tôi sẽ càng thận trọng hơn. Còn nếu chỉ biết qua loa, đại khái, có khi báo chí lại triển khai vấn đề không đúng trọng tâm và không thấy hết trách nhiệm của mình”.

Cùng suy nghĩ này, ông Phan Xuân Biên, nguyên Tổng Biên tập Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM khẳng định, báo chí muốn phát triển cần đẩy mạnh tính phản biện. Muốn vậy thì báo chí phải vào cuộc chứ không thể đứng bên ngoài quan sát đơn thuần: “Thế nhưng muốn báo chí đồng hành thì phải cung cấp cho họ đầy đủ thông tin, phải xem họ là người trong cuộc vì truyền thông là trận địa ban đầu. Muốn nghị quyết hay kế hoạch nào đó đi vào đời sống thì phải làm sao cho người dân hiểu các vấn đề liên quan. Vậy thì phải làm cho sinh động, phong phú và truyền tải có hệ thống. Báo chí rất quan trọng vì vừa đóng vai trò định hướng tư tưởng cho công chúng vừa phản ánh sự phản biện, giám sát của nhân dân”.

Không riêng gì với NQ 54, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân với tất cả các vấn đề quan trọng cần có sự chung tay truyền thông của báo chí. Báo chí không thể chỉ toàn phản ánh, phê phán mà phải đưa ra được giải pháp. Theo đó, vai trò của phóng viên, biên tập viên sẽ phải thay đổi. Từ chỗ nêu ý kiến của mình là chính giờ chuyển sang hình thức ý kiến của nhà báo cộng với ý kiến của người dân, ý kiến của các nhà khoa học thì lúc đó mới ra được cái giải pháp.

Phóng viên không thể là chuyên gia cho tất cả các vấn đề nên cần khuyến khích các chuyên gia, người dân nêu lên giải pháp đối với các vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. “Có nhiều giải pháp mâu thuẫn nhau để xới lên vấn đề cũng được. Chúng ta phải làm thế nào để ngày càng có nhiều bài báo từ phê phán thành đưa ra giải pháp” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bên cạnh việc thay đổi tư duy, phương thức tiếp cận và khai thác đề tài để gần hơn với nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng công tác tuyên truyền các gương cá nhân điển hình trong quá trình xây dựng thành phố cũng cần được đẩy mạnh bởi báo chí không phải lúc nào cũng toàn đề tài tiêu cực.

Gia Mỹ

Top