Bao giờ hết ngập?

16/09/2015 5:50 PM

(Chinhphu.vn) - Đây có lẽ không chỉ là câu hỏi của hàng triệu người dân vốn nhiều nhiều năm quen sống với ngập mà còn là bài toán nan giải của chính quyền TPHCM.   Gấp rút chống ngập

Cơn mưa kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ chiều tối ngày 15/9, trên diện rộng đã khiến nhiều khu vực TPHCM ngập nặng. Trong ảnh, mưa đã làm giao thông tê liệt trên cầu Bình Triệu (Bình Thạnh). Đến 8 giờ tối, tình trạng kẹt xe tại đây vẫn chưa giảm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Kết quả chống ngập

Theo đánh giá của UBND TPHCM, công tác chống ngập thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tình hình ngập do mưa có bước cải thiện, ngập do triều được kiềm chế ở mức thấp nhất, số điểm ngập đã giảm trên cả 3 tiêu chí (số điểm, số lần và thời gian ngập), góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng: Hằng năm, kinh phí cho khối lượng công việc chống ngập của TPHCM đã được thực hiện rất lớn, bước đầu đã phát huy kết quả. Tuy nhiên, tình hình ngập úng của TP vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, giải pháp thực hiện thiếu tính bền vững, biểu hiện như địa bàn ngập phát triển rộng ra ngoại thành, mưa có cường độ lớn hàng năm tiếp tục tăng, triều cường năm sau cao hơn năm trước, các dự án chống ngập vừa hoàn thành đã có dấu hiệu quá tải, tâm lý lo ngại không tin vào hiệu quả công tác chống ngập đang lan tỏa trong người dân.

Quay trở lại những tuyến đường vốn là điểm đen của tình trạng ngập úng, chúng tôi được chủ quán nước sống trong hẻm 339 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cho biết: “Mọi năm ngập dữ lắm, nhà cao hơn mặt đường gần 0,5m thế mà khi mưa xuống, nước tràn cả vào nhà. Vừa qua khánh thành dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm nên cũng đỡ hơn. Tuy nhiên mấy trận mưa vừa rồi cũng vẫn còn ngập, lý do là cốt đường cao hơn hẻm, nước tràn vào, phải mất 30 phút nước mới thoát được”.  

Một chủ một khách sạn trên đường Hậu Giang (quận 6) nói: Mặc dù năm nay, ngập úng có giảm do dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn thành. Tuy nhiên, với địa hình thấp trong khi cơ quan chức năng lại đặt hệ thống cống thoát nước dọc đường Hậu Giang, chạy ngang trước cửa khách sạn sâu đến 4 m, khi triều cường nước đầy sẵn trong ống cống nên mưa lớn, nước mưa khó thoát nhanh.

Còn theo anh Nguyễn Trường Sơn, ngụ tại đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nay tại tuyến đường này. Mỗi khi mưa to, đoạn đường ngập dài cả 500m, lực lượng chức năng phải gắn biển cảnh báo. Tuy nhiên, tại những chỗ ngập mà miệng cống thoát nước bị hở rất nguy hiểm, người dân gần đó thường phải cắm cành cây cảnh báo. “Ngoài đường ngập sâu, trong nhà lai láng nước, đồ đạc trôi nổi, không những việc buôn bán ế ẩm mà sinh hoạt còn bị đảo lộn. Không biết bao giờ tuyến đường này mới hết ngập?”. Anh Sơn bức xúc.

Giải pháp đồng bộ

Lãnh đạo TPHCM đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác xóa, giảm ngập nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cùng với đó công tác quản lý vẫn còn hạn chế.

Rõ ràng, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao, nguy cơ ngập úng tại TPHCM sẽ ngày càng tăng; việc chống ngập trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Tuy nhiên, muốn chống ngập hiệu quả, TP phải triển khai các giải pháp đồng bộ, phải khoa học hơn trong quy hoạch và triển khai các dự án cụ thể.

Theo các chuyên gia, tình trạng ngập do nguyên nhân chủ quan vẫn đóng vai trò quan trọng. Việc nhiều tuyến đường chính được nâng cao hơn cốt nền nhà dân trong khi không xây dựng hệ thống thu gom nước tràn, gây ra tình trạng nước chảy tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn. Một số tuyến đường hẻm dọc hai bên chưa được nâng cấp đồng bộ, không đấu nối với hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ.

Thêm nữa, công tác quản lý đô thị lỏng lẻo nên xảy ra tình trạng san lấp để xây dựng các công trình nhưng không xây dựng hồ điều tiết bù lại, làm thu hẹp diện tích trữ nước tự nhiên. Tình trạng bê tông hóa hạ tầng ngày càng cao, diện tích thẩm thấu thoát nước tự nhiên bị hạn chế. Triển khai các quy hoạch của Chính phủ rất chậm...

Ông Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Quy hoạch hạ tầng, Sở Kiến trúc TPHCM cho rằng, giải quyết vấn nạn ngập úng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. TP cần nhìn thẳng vào sự thật, xác định rõ đâu là yếu kém do chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan để có giải pháp cụ thể, kịp thời.

Theo quan điểm của ông Hoàng Tùng, quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết rất cần thiết. TP cần hướng đến bắt buộc phải có hệ thống điều tiết tại chỗ để kiểm soát nước mưa đối với các dự án đầu tư xây dựng. Ngoài ra, cần nạo vét sâu các kênh rạch để trữ nước và thoát nước kết hợp với các van ngăn triều, hạn chế bê tông hóa diện tích đất để tăng lượng nước thẩm thấu xuống lòng đất, tăng mực nước ngầm và hạn chế lún sụt đất.

Trong khi đó, theo TS Phạm Sanh, chống ngập đô thị là bài toán tổng hợp, rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức và chuyên môn sâu nhiều chuyên ngành. Trước hết TP nên đánh giá nghiêm túc hiệu quả các dự án chống ngập và các cách làm vừa qua, sau đó nhanh chóng bổ sung điều chỉnh và tích hợp lại hai đồ án quy hoạch thoát nước chống ngập đã được Chính phủ phê duyệt, nâng chu kỳ mưa tính toán lên ít nhất từ 10 - 25 năm, có kiểm tra đến 100 năm theo kinh nghiệm thế giới, ưu tiên các giải pháp chống ngập “mềm”  thân thiện môi trường, có sự tham gia cộng đồng.

Về tổ chức thực hiện, TS Phạm Sanh cho rằng, để tránh chồng chéo, thiếu trách nhiệm và không hiệu quả, TP nên thống nhất giao nhiệm vụ cho một cơ quan quản lý Nhà nước để tham mưu cho UBND TP điều hành giải quyết chống ngập.

Thực hiện Quy hoạch 752, từ năm 2016 – 2020, TPHCM sẽ tiến hành dự án nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (chiều dài 32km, tổng mức đầu tư 9.890 tỷ đồng); nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài 8,2 km, 5.100 tỷ đồng).

TP cũng sẽ xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao (59.868 tỷ đồng). Trong đó, đang thực hiện 3 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao (Bình Hưng Giai đoạn 2, Nhiêu Lộc Thị Nghè và Tham Lương Bến Cát); dự án xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải (Tân Hóa Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân) cũng sẽ được triển khai theo hình thức PPP.

Ngoài ra, TP sẽ xây dựng và cải tạo 200km cống thoát nước (11.610 tỷ đồng); TP cũng đã quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết ở các quận, huyện. Trong 5 năm tới sẽ thực hiện thí điểm trước 3 hồ (tổng vốn 950 tỷ đồng) gồm hồ Gò Dưa (600 tỷ đồng, diện tích 95 ha), Bàu Cát (50 tỷ đồng, diện tích 0,4 ha) và Khánh Hội (300 tỷ đồng, diện tích 4,8 ha).

Trong khi đó, thực hiện Quy hoạch 1547, TP sẽ đầu tư xây dựng 8 cống kiểm soát triều (Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định), 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7 km đê bao thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và xây dựng khoảng 12 km đê bao thuộc bờ tả sông Sài Gòn.

Nam Đàn

Top