Bí thư Thành ủy làm việc với Nhà máy điện rác Gò Cát

20/07/2017 9:36 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/7, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy điện rác Gò Cát.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Nhà máy điện rác Gò Cát.

Đây là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy (HMC) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM phối hợp đầu tư xây dựng.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy đề xuất với UBND TPHCM thực hiện Đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy Điện - Rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu Xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V. Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát, sử dụng hoàn toàn công nghệ của Hà Lan, đề án thực nghiệm nhà máy điện rác của hai đơn vị sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.

Ngay khi đề án thực nghiệm trên được UBND TPHCM phê duyệt, tháng 02/2017, Đề án thực nghiệm Điện rác Gò Cát, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) bắt đầu được triển khai thực hiện, vận chuyển và lắp đặt thiết bị, chạy thử và đến ngày 22/4 đã hòa vào điện lưới quốc gia.

Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy Nguyễn Gia Long cho biết, tính cho đến thời điểm hiện nay, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, đã phát và hoà vào lưới điện quốc gia hơn 7MW.

Theo ông Nguyễn Gia Long, bản chất của Công nghệ Điện rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy. Đây là dây chuyền tự động, khép kín, quá trình khí hóa trong điều kiện thiếu oxy nên không phát thải thứ cấp, không ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Long cho biết, công nghệ điện rác đang thực nghiệm có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước, đây là yếu tố phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt đối với một số công nghệ khác hiện nay.

Sau khi nghe các đơn vị đầu tư báo cáo tình hình hoạt động nhà máy, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Thành phố rất quan tâm công nghệ xử lý rác thải trong nước. Hiện trung bình mỗi ngày TPHCM có 1.500 tấn rác thải công nghiệp, 300 - 600 tấn rác nguy hại và 8.300 tấn rác thải sinh hoạt. Do vậy, Công ty HMC cần liên doanh với Công ty MTĐT Thành phố để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án điện rác quy mô và công suất lớn hơn. Theo đó, Công ty MTĐT Thành phố lo khối lượng rác đầu vào và hạ tầng đầu tư nhà máy, Công ty HMC vận hành lõi xử lý rác.

Ngoài ra cần chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại rác thải đặc thù, xác định đơn giá xử lý từng loại rác thải, đa dạng công nghệ xử lý phù hợp với thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại. Nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải đã qua chôn lấp và thực nghiệm trước với lượng rác thải 5,3 triệu tấn đang chôn lấp tại Gò Cát. Đảm bảo an toàn cho hoạt động thực nghiệm của nhà máy, nhất là khu vực lưu trữ khí.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành đo đạc chất lượng môi trường không khí trong quá trình vận hành nhà máy; phối hợp với Sở Quy họach và Kiến trúc hỗ trợ, tham mưu về việc đầu tư dự án. Cùng với đó, Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp xử lý rác thải độc hại, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường.

Lê Anh

Top