Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang ‘khát’ lao động

22/08/2019 9:43 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Bình Dương thiếu hụt khoảng 20-30% lao động. Công cuộc cạnh tranh đẩy giá nhân công tăng lên tới 50%, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại tỉnh Bình Dương - Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 21/8, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại tỉnh để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Đài Loan đang đứng đầu trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương với 843 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,53 tỷ USD. Các doanh nghiệp Đài Loan hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp dệt may, giày dép; chế tạo sản phẩm phụ trợ ngành ô tô; y tế, dược phẩm, hoá mỹ phẩm và chế biến thực phẩm…

Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhiều nhà đầu tư Đài Loan đã tiếp tục lựa chọn Bình Dương là điểm đến đầu tư, với hơn 237 triệu USD vốn đăng ký.

“Đây là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư, chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Trúc khẳng định.

“Đau đầu” vấn đề nhân lực

Ông Wu Chung Ying, Hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tỉnh Bình Dương đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong thu hút đầu tư FDI.

Tuy nhiên, ông Wu Chung Ying cũng cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp của Chi hội, nhất là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp mới của tỉnh, đang gặp khó khăn về thiếu nhân lực, nhu cầu lao động tăng cao trong khi công nhân thường xuyên bị lôi kéo bởi những mức lương hấp dẫn hơn, phổ biến tình trạng nghỉ việc đồng loạt làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

“Việc tuyển dụng lao động phổ thông hay lao động có tay nghề đều gặp khó khăn. Trước đây, nếu đăng tuyển 10 lao động thì có thể có mấy chục người tới dự tuyển, nhưng hiện tại cũng với số lượng đó thì có khi chỉ có 1-2 lao động tới. Đặc biệt lao động có tay nghề, chứng chỉ hành nghề thợ hàn, thợ tiện… thì lại càng khó tìm hơn”, ông Wu Chung Ying chia sẻ.

Theo thống kê của Chi hội Thương gia Đài Loan tỉnh Bình Dương, lượng lao động thiếu hụt trong các doanh nghiệp phổ biến từ 20-30%, nghĩa là nếu một công xưởng cần 100 lao động, thị trường chỉ đáp ứng được 70-80 người, các công ty càng lớn lượng lao động thiếu càng nhiều.

“‘Khát’ lao động, các công ty bắt buộc phải tăng chí phí tiền lương cho nhân công để dễ tuyển dụng và giữ chân lao động. Nếu chi phí tăng lên khoảng 10-20% thì có thể chấp nhận được nhưng hiện nay cạnh tranh đã đẩy giá nhân công tăng lên gần 50%, một nhân viên văn phòng trước đây lương 8 triệu thì hiện tại phải trả 12 triệu. Điều kiện đầu tư ở Việt Nam rất tốt, tuy nhiên với khó khăn hiện tại, tiếp tục đầu tư tại Bình Dương hay chuyển đến một địa phương khác là câu hỏi lớn với nhiều doanh nghiệp Đài Loan”, ông Wu Chung Ying cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện vẫn chưa bảo đảm, nhiều nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. “Chúng tôi ghi nhận những cố gắng trong khắc phục, xây mới các công trình cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương, tuy nhiên có thể tốc độ cải thiện hạ tầng cơ sở vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển nên một số điểm ‘nghẽn’ vẫn chưa được khơi thông”, ông Wu Chung Ying nói.

Từ đó, ông Wu Chung Ying bày tỏ mong muốn thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, xem xét các giải pháp giao thông như tàu điện, tàu điện ngầm để giải quyết ùn tắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo tỉnh cùng các sở ngành giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Thu Lê

Về vấn đề lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nhận định hiện nay nguồn lao động tại địa phương khá khan hiếm, để chia sẻ với doanh nghiệp, Sở đã thực hiện kết nối điều tiết nguồn lao động, kết nối Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh với các trung tâm của các tỉnh khác để thu hút lao động về cho các doanh nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, hiện vẫn trong tình trạng “cung không đủ cầu”, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác này để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện trong giai đoạn 2018-2025, tỉnh cũng đang triển khai đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ sớm có buổi làm việc riêng với các hiệp hội để cụ thể hoá các vấn đề và bàn thảo các giải pháp để có nguồn lao động khả dĩ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng lao động, trong đó ngoài các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ còn chú trọng định hướng cho lao động cần có sự gắn bó với các doanh nghiệp.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, để giữ chân người lao động, trước hết doanh nghiệp phải có chính sách phúc lợi phù hợp. Cụ thể, ngoài tiền lương, cần khen thưởng xứng đáng, ngoài ra còn phải bảo đảm các khoản phụ cấp theo luật, xây dựng quan hệ tốt với công nhân viên, hạn chế thấp nhất các tranh chấp, đình công… 

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết, trước yêu cầu phát triển, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư thêm các tuyến đường bộ: quốc lộ; đường vành đai; cầu vượt; đường, cầu kết nối với các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh… nhiều dự án đã lên kế hoạch bố trí vốn đầu tư, một số dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, tỉnh có định hướng lâu dài là phát triển đường thủy và đường sắt. Bình Dương đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các cảng trên sông Sài Gòn, Đồng Nai và nâng cấp quy mô các cảng hiện tại. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư vào các tuyến đường kết nối quốc lộ và đường tỉnh tới các cảng. Tuy nhiên đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết các dự án này đều đòi hỏi thời gian và lượng vốn lớn, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

“Bình Dương cũng đang có ý tưởng đầu tư đường sắt công nghiệp, bước đầu từ Khu công nghiệp Bàu Bàng, xuyên qua tỉnh theo trục bắc-nam, kết nối với cảng Cái Mép. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục làm việc thêm, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các bộ ngành Trung ương để biến ý tưởng thành dự án”, ông Trần Bá Luận cho biết.

Thu Lê

Top