Bình ổn thị trường kết hợp nhiều chương trình hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng

11/04/2024 2:38 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của Thành phố như kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác với các địa phương... Qua đó, giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Thành phố nói chung, DN bình ổn thị trường nói riêng.

Bình ổn thị trường kết hợp nhiều chương trình hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 1.

Lượng hàng bình ổn chiếm 21-32% thị phần trong tháng thường, đủ sức chi phối, điều tiết thị trường. Ảnh: VGP/Anh Lê

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TPHCM bắt đầu triển khai từ ngày 1/4 với 69 DN đầu mối tham gia, phần lớn là doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

Bổ sung nhiều mặt hàng mới

Theo quyết định triển khai do UBND TPHCM ban hành, năm nay chương trình có thêm 10 DN tham gia, lượng hàng cũng tăng 4-6% so với năm 2023. Theo đăng ký từ các DN tham gia chương trình, hiện lượng hàng bình ổn chiếm 21-32% thị phần trong tháng thường, chiếm 24-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết và đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên mặt hàng như laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser... được bổ sung vào nhóm mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập. Nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thêm nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy sinh học... Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được bổ sung muối, nước uống... Qua đó, sản lượng hàng bình ổn tăng lên, giúp tăng cơ hội cho người tiêu dùng thành phố tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, năm 2024, chương trình bình ổn thị trường kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của Thành phố như kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác với các địa phương... Qua đó, giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN thành phố nói chung, DN bình ổn thị trường nói riêng.

Dưới sự điều phối của Sở Công Thương, các DN phân phối ký kết hợp tác với nhau và với nhà cung cấp để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, chế biến đến kinh doanh. Từ đó, hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, giúp tiết kiệm được giá thành, DN mạnh dạn cải tiến sản xuất - kinh doanh, từ đó ổn định đầu ra và giá bán.

Bên cạnh đó, năm nay, các DN bình ổn thị trường sẽ được TPHCM hỗ trợ giá thuê mặt bằng, ưu tiên vận chuyển hàng bình ổn trong giờ cao điểm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và mở rộng phân phối vào các hệ thống siêu thị hiện đại.

Nhiều mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giảm giá

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống, cửa hàng vẫn ở mức thấp nhưng một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu lại có xu hướng leo thang do giá đầu vào tăng.

Bình ổn thị trường kết hợp nhiều chương trình hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 2.

Chương trình bình ổn thị trường kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của Thành phố như kích cầu tiêu dùng nhằm giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN - Ảnh: VGP/Anh Lê

Trong 3 tháng đầu năm 2024, theo phản ánh của các hệ thống phân phối lớn, các đơn vị này nhận được rất nhiều đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp đang nắm thị phần lớn ở các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Để bình ổn giá sản phẩm thiết yếu, nhiều hệ thống phân phối, siêu thị áp dụng chiến lược mua hàng tận nguồn, thu mua với số lượng lớn và có chính sách giá sỉ.

Trước biến động của thị trường, Sở Tài chính TPHCM đã điều chỉnh giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường giúp người dân thành phố được mua hàng với mức giá ổn định và đảm bảo.

Theo Sở Tài chính TPHCM, các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường năm 2024-2025, có 3/10 nhóm hàng đề nghị giảm giá là thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm dinh dưỡng (giảm 2-7%). Có 6/10 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá và chỉ có 1/10 nhóm hàng đề nghị tăng giá là thịt lợn (tăng 10-18%).

Đối với mặt hàng thịt gia cầm, có 3 doanh nghiệp tham gia Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình và Saigon Co.op là đơn vị phân phối. Theo đó, các sản phẩm thịt gia cầm từ các DN này cung cấp có mức giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng trứng gà, có 3 đơn vị là Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty cổ phần Ba Huân và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh tại Đồng Nai đăng ký giảm 2.000 đồng/chục từ 33.500 xuống còn 31.500 đồng/chục. Trứng vịt, Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty cổ phần Ba Huân cũng đăng ký giảm 2.000 đồng/chục từ 38.500 xuống còn 36.500 đồng/chục

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn do thị trường từ đầu năm 2024 đến nay giá lợn hơi tăng và giá bình quân 60.500 đồng/kg, tăng 18,6% so với thời điểm điều chỉnh ngày 21/12/2023. Do đó, căn cứ quy định của chương trình bình ổn thị trường thì thịt lợn đủ điều kiện điều chỉnh giá tăng bình quân 10.000 đồng/kg (9,19%), tương đương với mức biến động giá lợn hơi.

Anh Lê

Top