Bình Phước 'nắm chặt tay' các địa phương để gia nhập chuỗi giá trị

21/06/2018 7:28 PM

(Chinhphu.vn) - Bình Phước chủ trương “nắm chặt tay” các địa phương làm nông nghiệp công nghệ cao khá thành công hiện nay như TPHCM, Bến Tre, Lâm Đồng để có thể dần gia nhập chuỗi giá trị toàn ngành, đặc biệt ở các khâu về giống, kỹ thuật canh tác và tìm đầu ra cho sản phẩm.

TPHCM hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của thành phố và cả nước.

Diễn ra từ ngày 21/6 đến ngày 25/6. Hội chợ triển lãm Giống và Nông nghiệp công nghệ cao lần thứ 6 năm 2018 tại TPHCM là cơ hội để các đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm giống và cây con có nguồn gốc, năng suất, chất lượng cao; các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Mục tiêu của nhà tổ chức là tạo mạng lưới kết nối giữa giới sản xuất, chế biến, nghiên cứu và người làm quản lý nhà nước để ngành nông nghiệp có thể hình thành chuỗi giá trị ngày càng hoàn chỉnh hơn, giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn cây giống, con giống từ nước ngoài.

Là một trong sáu đơn vị nhận được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh nhà để tham dự Triển lãm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh và quảng bá sản phẩm, ông Lê Hoàng Công từ Công ty Chế biến Cà phê Công Phát tại Bình Phước nhận định: với một doanh nghiệp chế biến nông sản thì xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và đồng nhất về công nghệ, quy trình canh tác, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch là bài toán ưu tiên hàng đầu để có thể đứng vững trên thị trường. Đã qua rồi thời kỳ bán lấy được bởi những người mua uy tín hiện luôn đòi hỏi sự thống nhất về chất lượng sản phẩm. Do đó doanh nghiệp này thường xuyên phải “theo sát” các hộ nông dân liên kết để đảm bảo tuân thủ đúng quy trình trồng trọt.

Nói thêm về mong ước được “điền vào” chuỗi giá trị nông nghiệp, ông chủ DN trẻ khẳng định: “Việt Nam hiện có rất nhiều giống cà phê ngon, nếu dùng công nghệ để ‘chốt’ được cây giống và quy trình sản xuất chuẩn để cho ra sản phẩm cà phê robusta thuần chủng thì giá bán ra thị trường thế giới có thể đạt gấp đôi giá bán cà phê ‘xô’ cùng loại trong nước. Và đây là thị trường ngách mà chúng tôi lựa chọn để có mặt trong chuỗi giá trị thay vì sản xuất cà phê đại trà, và cũng là tránh phải đương đầu trực tiếp với các ‘ông lớn’ trong ngành cà phê hiện nay”.

Còn theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Bình Phước, do đặc thù hạn chế về điều kiện ngân sách cùng sự khan hiếm các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đồng hành cùng nông dân nên Tỉnh đã chủ trương “nắm chặt tay” các địa phương làm nông nghiệp công nghệ cao khá thành công hiện nay như TPHCM, Bến Tre, Lâm Đồng để có thể dần gia nhập chuỗi giá trị toàn ngành, đặc biệt ở các khâu về giống, kỹ thuật canh tác và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thực vậy, cùng với đà đi lên chung của nền kinh tế, ngành nông nghiệp TPHCM năm qua đã chứng minh được vai trò là một trong những nơi có bước phát triển mạnh về nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Chính sự chuyển mình theo chiều sâu - không còn quá tập trung chạy đua sản lượng - đã đưa tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành nông nghiệp TPHCM từ mức 5,4% hồi năm 2016 lên mức 6,3% trong năm 2017. Trong đó, không thể không kể đến sự góp phần của lĩnh vực sản xuất cây giống, con giống ứng dụng công nghệ cao.

Năm qua, TPHCM đã cung cấp cho thị trường 81,2 nghìn tấn hạt giống (với 12 nghìn tấn hạt giống rau đã đáp ứng nhu cầu trồng trọt của 1 triệu hecta gieo trồng tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận); 750 triệu cá giống các loại cho nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có ngành cá cảnh xuất khẩu.

Với hơn 140 đơn vị tham gia, triển lãm lần này còn được tổ chức thành nhiều khu đặc thù về thành tựu giống cây trồng, vật nuôi từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu…

Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM lần thứ 6 còn ghi nhận lễ ký kết 9 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị, tổ chức như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khác.

Dự kiến trong 5 ngày diễn ra, Hội chợ - Triển lãm sẽ thu hút khoảng 6.000 lượt khách tham quan từ các doanh nghiệp, viện, trường, cơ quan nghiên cứu và nông hộ ở 56 xã nông thôn thuộc nhiều tỉnh, thành.

Phương Hiền

Top