Bình quân một người Việt đọc 1 quyển sách mỗi năm

22/04/2019 8:30 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là thông tin được cung cấp tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức mới đây.

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm tiết đọc sách trong trường, và cho biết TPHCM sẽ thực hiện ở một số trường để từng bước cải thiện văn hóa đọc cho người Việt. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Cụ thể, số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong ba năm gần đây cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách.

Chưa dừng lại ở đó, một khảo sát mới đây của báo Dân Trí nhắm vào đối tượng là giới trẻ cho thấy kết quả đáng quan ngại. 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần qua; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Điều này cho thấy văn hóa đọc của người Việt đang còn quá thấp. “Nguyên nhân chính của thực trạng này theo tôi là do người Việt chúng ta không có thói quan đọc sách từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, có muốn cũng khó hình thành thói quen quan trọng này. Chúng tôi đi khảo sát nhiều trường học tại TPHCM và nhiều tỉnh thành, điều đáng buồn là số trường học quan tâm đến chất lượng giờ đọc sách của học sinh còn rất ít, nhiều thư viện chưa tạo được sức hút nếu không nói là quá nhàm chán, nhiều đầu sách không phù hợp với học sinh”, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam tâm tư.

Thêm một thông tin đáng chú ý mà tọa đàm đưa ra là hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này.

Tại ba quốc gia nói trên, tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa và được đầu tư rất công phu. Riêng tại Malaysia, đất nước rất gần với Việt Nam, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển. Tuy nhiên theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đó chưa phải là con số đáng buồn nhất vì theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đụng vào sách.

Tại tọa đàm, nhiều diễn giả cho rằng, hiện nay, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Ba mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học “thiếu vắng” giờ đọc sách… là những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt ít mặn mà với văn hóa phẩm. Thực trạng này rất đáng báo động và cần sớm có hướng giải quyết.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu không giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm thì càng lớn lên việc này càng khó khăn. “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 13, 14, 15 tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Không ít diễn giả cho rằng, nhà trường, xã hội thay đổi vẫn chưa đủ mà bản thân ngành giáo dục cũng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đọc trong trường học. Bộ GD-ĐT cần đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa và cần đầu tư nhiều hơn cho thư viện học đường để làm sao sách không chỉ nhiều mà phải còn hấp dẫn, phù hợp với tư duy, sở thích của học sinh. Khi thích thú và được hướng dẫn cách đọc hiệu quả, trẻ sẽ từng bước hình thành thói quen đọc sách. Thói quen lớn dần sẽ hình thành cái mà nhiều người gọi là văn hóa đọc./.

Gia Mỹ

Top