Bộ GTVT lý giải đề xuất ACV đầu tư xây ga T3 Tân Sơn Nhất

20/03/2019 12:33 PM

(Chinhphu.vn) – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết việc đề xuất chọn Tổng công ty cảng hàng không ACV thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là do ACV là nhà khai thác có kinh nghiệm nhất và có nguồn lực để đầu tư dự án.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: VGP/Khánh Linh.

Mở rộng T3 như thế nào cho đồng bộ?

Theo Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018 của Bộ GTVT về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế  Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch lần này là đảm bảo cho sân bay Tân Sơn Nhất đạt cấp sân bay: 4E và sân bay quân sự cấp I; sản lượng vận chuyển hành khách: 50 triệu hành khách/năm.

So với quy hoạch năm 2015, quy hoạch điều chỉnh vẫn giữ cấp sân bay của Tân Sơn Nhất là cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự như quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt năm 2015.

Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển hành khách được nâng lên 50 triệu hành khách/năm, gấp đôi quy hoạch trước đó.

Phải có sự điều chỉnh tăng gấp đôi này bởi Tân Sơn Nhất liên tục có sự tăng trưởng đột biến trong nhiều năm. Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2015 sân bay này đón  26,55 triệu hành khách (tăng 19,9%), năm 2016 đón 32,2 triệu khách (tăng 21,3%), đến năm 2017 tốc độ tăng trưởng giảm còn 11,8% so với năm trước đó với con số 36 triệu khách và năm 2018 giảm còn 6,4% với 38,3 triệu khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thừa nhận tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Ngay từ năm 2015, Bộ GTVT đã nhìn nhận ra vấn đề này và đã đưa ra nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ như: Đầu tư kết cấu hạ tầng, bố trí lại luồng khách ra vào, thêm quầy làm thủ tục, quản lý bay áp dụng phương thức điều hành bay mới. Bên ngoài sân bay đã triển khai nhiều cầu vượt và tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc. Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ bàn giao đất đai, điều tiết giao thông để giảm ùn tắc tại CHK Tân Sơn Nhất…

Đến nay, Tân Sơn Nhất đã ngăn nắp hơn rất nhiều. Chất lượng phục vụ đã tốt hơn. Dịp Tết vừa qua, có thời điểm, có tới 902 chuyến bay cất hạ cánh/giờ cao điểm. Năm 2018, Tân Sơn Nhất đón 38,3 triệu hành khách, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giao thông cũng cho biết, năm 2016, Bộ GTVT đã đặt ra vấn đề phải đầu tư thêm nhà ga T3 trong thời gian sớm nhất trong bối cảnh đã có T1, T2 và cân đối với CHK quốc tế Long Thành trong tương lai gần.

“Căn cứ Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã quyết định sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế là 50 triệu hành khách”, Thứ trưởng Thọ nói.

Nhận “đề bài” từ Chính phủ, lãnh đạo ngành giao thông cho biết một số yêu cầu đặt ra trong việc mở rộng Tân Sơn Nhất đó là: Thứ nhất, không làm thêm đường cất hạ cánh. Thứ hai, để giải toả nhanh, phải bố trí thêm đường lăn. Cùng với đó là các vấn đề về sân đỗ tàu bay, bãi đỗ xe, đường ra vào, hệ thống giao thông tiếp cận… cũng phải đầu tư đồng bộ. Đồng thời, Tân Sơn Nhất sẽ luôn tồn tại song hành với Long Thành.

Trình Chính phủ phương án giao ACV xây dựng T3

 

Cũng theo Quyết định 1924, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất. Tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18h a đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất bổ sung phía nam và 171 ha đất bổ sung phía bắc.

Nâng công suất Nhà ga T1, T2 lên 30 triệu người/năm. Bổ sung nhà ga T3 ở phía nam công suất 20 triệu khách; 3 đường lăn song song; 5 đường lăn thoát nhanh; các đường lăn nối.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng công ty cảng hàng không ACV đã cổ phần hoá thì các nhà đầu tư tư nhân rất muốn tham gia thực hiện hạng mục “bổ sung nhà ga T3 ở phía nam”, đơn cử như FLC, Công ty CP hàng không Sao Việt…, khiến cho việc giải cứu Tân Sơn Nhất trở nên chậm trễ nếu như Bộ GTVT không giữ vai trò cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông để “cầm cân nảy mực”.

Để giải quyết tình trạng trên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đã quyết định đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

“Hiện tại ACV đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án. Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đã giao cho ACV chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin chủ trương đầu tư trong tháng 4 tới”, Thứ trưởng nói.

Việc Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ lựa chọn ACV được Thứ trưởng lý giải do ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên của cả nước, hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không. Do đó, đây là nhà khai thác có kinh nghiệm nhất và có nguồn lực để đầu tư. Vừa qua, mới có thêm một nhà khai thác nữa là Vân Đồn (Tập đoàn SunGroup).

“Khi lựa chọn phương án đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, có nhà đầu tư chỉ cần làm 1 - 2 năm là xong. Tuy nhiên, với công tác xây lắp một nhà ga công suất 20 triệu hành khách, điều đó là không thể. Đó là chưa nói đến công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án tiền khả thi, khả thi). Nếu là công trình loại A, phải thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Chưa kể công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu thiết kế. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn đầu tư và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư (bao gồm nghiệm thu, thanh toán…). Đối chiếu quy định hiện hành, không thể làm trong 1 - 2 năm”, Thứ trưởng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng mở rộng CHK quốc tế Cam Ranh cho biết: Đối với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, do mặt bằng rộng hơn, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm thi công.

“Theo tôi, làm gì thì làm, ACV cũng phải 'cầm trịch', tránh trường hợp nhà đầu tư bán cổ phần cho người bên ngoài vào chiếm lĩnh. Còn việc mời xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ga sân bay cũng là tín hiệu đáng mừng. Để tư nhân đầu tư là góp phần tiếp sức cho ACV”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Đối với đề xuất của IPP về việc trở thành nhà đầu tư duy nhất xây dựng nhà ga T3, ông Hạnh Nguyễn khẳng định: “IPP không bao giờ muốn một mình đầu tư một nhà ga mà luôn mong được đồng hành cùng ACV. Với kinh nghiệm 34 năm mở đường bay cùng thế mạnh kinh doanh hàng miễn thuế, nếu được, tôi vẫn muốn đồng hành phối hợp nhằm đem lại nguồn lợi tốt nhất cho ACV. Đây là sự kết hợp bổ sung giữa kinh doanh dịch vụ với điều hành quản lý. Điểm mấu chốt vẫn là cơ chế đấu thầu hợp lý. Ngay cả khi ACV muốn làm một mình chúng tôi cũng sẵn sàng ủng hộ”.

ACV hiện đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng ga hành khách T3 với công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2 đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng. Dự kiến, tổng kinh phí hơn 11.430 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

 

Phan Trang
Top