Buộc chủ hàng, chủ xe tự hạ tải và chịu phí hạ tải

19/08/2015 3:35 PM

(chinhphu.vn) - Trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện phương tiện chở hàng quá tải, các Tổ công tác liên ngành sẽ buộc chủ hàng hóa, chủ xe, lái xe phải tự bố trí nhân lực và chịu toàn bộ chi phí để tiến hành hạ tải theo quy định.

Lực lượng chức năng TPHCM tiến hành kiểm tra tải trọng phương tiện.

Công an TPHCM và Sở GTVT Thành phố vừa ban hành Kế hoạch về việc phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải cho phép trên địa bàn TPHCM.

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng, tăng cường năng lực cương chế, xử lý vi phạm đối với hành vi chở quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ nhằm góp phần làm giảm tai nạn giao thông, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây mất TTATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đó, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của Thành phố gồm: Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Sở GVTV sẽ thành lập các Tổ công tác liên ngành, thường xuyên tuần tra tại các tuyến đường có nhiều xe ôtô chở hàng hóa lưu thông, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các loại phương tiện chở hàng quá tải.

Những địa bàn sẽ được tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát gồm: các tuyến Quốc lộ: 1, 13, 22, 50, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, các tuyến đường lớn thường xuyên có xe ôtô chở hàng quá tải trọng lưu thông và các khu vực gần kho, cảng, bến bãi, nơi tập kết hàng hóa lên ôtô vận tải trên địa bàn Thành phố.

Đối tượng xử lý là các xe ôtô tải, xe ôtô đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ôtô chở hàng container, chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế; chở hàng vượt tải trọng của cầu, đường; xe ôtô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định về chở hàng quá trọng tải và các hành vi vi phạm khác.

Về biện pháp xử lý, khi phát hiện các trường hợp phương tiện có hành vi chở hàng quá tải, bên cạnh việc tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các lực lượng sẽ buộc chủ hàng hóa, chủ xe, lái xe tiến hành hạ tải, đảm bảo trọng tải theo quy định mới cho xe tiếp tục lưu hành.

Đồng thời các lực lượng chức năng cũng sẽ bắt buộc chủ xe, lái xe, chủ hàng phải tự bố trí lực lượng, nhân lực hạ tải; tự quản lý, bảo quản hàng hóa, phương tiện và chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc hạ tải.

Thời gian qua, trên địa bàn, việc xử lý phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải đã được các lực lượng chức năng quyết tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 4.235 vụ vi phạm chở hàng quá tải, với tổng số tiền xử phạt hơn 40 tỷ đồng. So với năm 2014, tình hình xe chở quá tải, quá khổ ở Thành phố đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tình trạng xe chở hàng quá tải hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra “nhức nhối” ở nhiều tuyến đường liên tỉnh, huyện, xã gần kề các tuyến đường Quốc lộ trên địa bàn Thành phố. Không ít tuyến đường đã bị cày phá tan nát do xe tải “né trạm cân” và tránh trạm thu phí, tránh CSGT, TTGT.

Bên cạnh đó, để qua mặt việc kiểm soát tải trọng của các cảng, nhiều nhà xe còn dùng "mánh" lập bãi tập kết hàng gần cảng, sau khi qua trạm kiểm soát lén lút “cõng” thêm hàng vượt tải trọng. Những điểm “nóng” về tình trạng dồn tải là các khu vực xung quanh cảng Tân Thuận Đông (quận 7), khu vực gần cảng Cát Lái, Xa lộ Hà Nội (quận 2)…

Phan Hoàng

Top