Công nghiệp trọng yếu của TPHCM tăng trưởng 8,92%

20/06/2018 3:08 PM

(Chinhphu.vn) - So với cùng kỳ 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 6 tháng trên địa bàn TPHCM ước tăng 6,47% . Trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 8,92%.

Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trong 6 tháng đầu năm 2018 có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: VGP/Lê Anh

Sở Công thương TPHCM cho biết, nhờ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp, nhất là các DN thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu và các DN công nghiệp hỗ trợ cải tiến trong sản xuất, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp của TPHCM tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá.

Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 6 tháng ước tăng 6,47%. Trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng tới 8,92%.

Cụ thể, trong 6 tháng, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống (chiếm tỷ trọng khoảng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành), ước tăng 6,8% (cùng kỳ tăng 5,02%). Sản xuất hàng điện tử cũng tiếp tục đạt tăng trưởng khá, khi có mức tăng 13,0% (cùng kỳ tăng 12,74%). Ngành hóa chất - cao su - nhựa ước chỉ số sản xuất tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 0,93%).

Riêng đối với ngành cơ khí, sản xuất ước tăng 3,2%. Tuy nhiên, một số phân ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18%; Sản xuất thiết bị điện tăng 18,2%...

Như vậy, điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2018 của ngành cơ khí là phân ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, có mức tăng nhanh tới 18% so với cùng kỳ đã cho thấy tác động tích cực của các chính sách đối với công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí.

Với phân ngành sản xuất thiết bị điện, như các sản phẩm thiết bị điện, dây cáp điện…, trong nửa đầu năm cũng có mức tăng trưởng cao, và lý do theo Sở Công thương là nhờ vào chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước đối với các công trình điện khí hóa.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công thương) nhận định, sau thời gian tham gia vào các chương trình Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE); Chương trình đào tạo doanh nghiệp phát triển toàn diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) theo phương pháp 5S-kaizen; Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do các chuyên gia của Samsung thực hiện, các DN Công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM đã thực sự “lột xác”, nhất là các DN trong ngành cơ khí, điện tử...

Theo đó, sau thời gian cải tiến với sự hướng dẫn của các chuyên gia, các DN tham gia vào các chương trình trên đã giảm được nhiều chi phí ở các khâu thừa, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Qua đó, một số DN đã có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng, hợp tác với các DN FDI.

Tiêu biểu như Công ty TNHH sản xuất thương mại TBM Minh Phát giảm thiểu tồn kho từ hơn 13 tỉ xuống còn 9 tỉ đồng, rút ngắn thời gian thay khuôn từ 30 phút xuống còn khoảng 6 phút, giảm tồn kho nguyên liệu từ 25 ngày xuống 15 ngày…

Hay như Công ty Cổ phần Cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa (VIEMCO), để đáp ứng được các yêu cầu từ các chuyên gia Samsung, công ty cũng hoàn thành khoảng 70 hạng mục cải tiến trong sản xuất. Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Công ty cho biết, kết quả thu được rất khả quan, đặc biệt ở hạng mục nâng cao năng suất lao động đã giảm thời gian thay khuôn từ 55 phút xuống còn 18 phút, giảm tỷ ệ thất thoát từ 24% xuống còn 17%...

Đánh giá của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Samsung cũng cho rằng, sau thời gian hỗ trợ, nhìn chung các DN được tư vấn đã tích cực, mạnh dạn thực hiện hàng trăm cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương pháp làm việc nhằm hướng tới sự chuyện nghiệp và hiệu quả. Đây là cơ sở để các DN hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lê Anh

Top