Cách nào chống bạo lực học đường, dâm ô trẻ em?

08/04/2019 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Tại tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/4, gần 2.000 học sinh phổ thông tại TPHCM đã bày tỏ những lo lắng về thực trạng này trong xã hội hiện nay.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của hàng loạt vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục khiến dự luận băn khoăn. Đứng ở góc độ của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân TPHCM cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng và mức độ nguy hiểm của thực trạng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em trong xã hội ngày nay nhưng mấu chốt vẫn là nhận thức.

Theo Tiến sĩ Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, việc sử dụng mạng xã hội tràn lan như hiện nay cũng khiến nhiễu loạn thông tin về các vụ việc nhạy cảm. “Nếu như trước kia các vụ việc được khoanh vùng trong phạm vi nhỏ thì bây giờ chỉ sau vài giây thông tin đã xuất hiện trên mạng xã hội rồi biết bao người bình luận, chia sẻ dễ dẫn đến tác động ngược. Theo tôi, khi vụ việc xảy ra, chúng ta không nên “nhai đi nhai lại” thông tin, mà chỉ cần cung cấp đủ, vừa phải, trách khai thác quá nhiều thông tin đến vụ việc mà cần có những bài mang tính định hướng để giải quyết vấn đề”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TPHCM cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền, tập huấn đã được các đơn vị triển khai nhiều năm nay nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. “Có những tình huống nằm ngoài dự đoán của trẻ nên dù đã được trang bị kỹ năng trẻ vẫn hoảng sợ, không biết cách xử lý. Do đó, trang bị kỹ năng là một chuyện, vấn đề quan trọng là chúng ta phải tạo được môi trường sống an toàn cho trẻ”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ, thắc mắc của học sinh tại tọa đàm, nhiều diễn giả cho rằng, vấn đề quan trọng là phòng hơn chống vì khi sự việc xảy ra tổn thương mà trẻ gặp là rất lớn. Học sinh và cả sinh viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhận diện tình huống rủi ro, đối tượng nguy hiểm và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục thường xuyên để nhạy trong quá trình đánh giá tình huống.

Và nếu chẳng may sự cố xảy ra, bên cạnh việc lên tiếng tố cáo cái ác, điều người lớn cần làm là ổn định tâm lý cho trẻ, bảo vệ, chăm sóc trẻ nhiều hơn để trẻ biết được mình đang được an toàn.

Mặc dù không thể triệt tiêu bạo lực học đường hay dâm ô trẻ em, nhưng bằng những giải pháp căn cơ từ nhiều phía chúng ta có thể hạn chế thấp nhất các vụ việc đáng tiếc. Nhiều ý kiến cũng cho rằng đã đến lúc phải bổ sung thêm các hình phạt để tăng tính răn đe cho các hành vi không thể chấp nhận này./.

Gia Mỹ

Top