Cải cách hành chính: Buộc nhân rộng mô hình thành công

21/02/2018 11:21 AM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM chủ trương buộc nhân rộng các mô hình cải cách thủ tục hành chính đã thành công tại một số quận huyện, sở ngành thay vì chờ “cải cách tự nguyện”.

Năm 2018, TPHCM phấn đấu chỉ số PCI nằm trong top 5, PAPI trong top 16 và PAR index trong top 10. Trong ảnh: Người dân lấy số thứ tự trước khi thực hiện TTHC tại UBND quận 12 (TPHCM). Ảnh: VGP/Phương Hiền

Nơi tích cực, chỗ lơ là

Theo Báo cáo cải cách Thủ tục hành chính (TTHC) năm 2017, hiện TPHCM có 493 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 59 dịch vụ được thực hiện ở mức độ 4 (người dân, doanh nghiệp, các tổ chức hoàn toàn có thể tiếp cận thông tin dịch vụ, hoàn thành - nộp hồ sơ, được xử lý giao dịch trên mạng và nhận kết quả trực tuyến hoặc qua bưu điện).

Số lượng người dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM đang tăng mạnh, từ mức mới chỉ xử lý 2.300 hồ sơ năm 2016 đã tăng lên 12,5 nghìn hồ sơ vào năm 2017. Những nhóm thủ tục dịch vụ công được hưởng ứng nhiều nhất là lao động, kinh tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, đất đai – xây dựng.

Điển hình như tại Quận 1, tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến tăng đến 600% ở lĩnh vực kinh tế; tăng 56% ở khu vực hộ tịch và tăng 43% ở lĩnh vực lao động… Theo Chủ tịch UBND Quận 1 Trần Thế Thuận, đã có 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được thực hiện tại địa bàn này, gồm: thủ tục trích lục bản sao giấy tờ hộ tịch và thủ tục cấp phép xây dựng - một trong những vấn đề nhạy cảm hiện nay mà người dân rất bức xúc và quan tâm.

Hay tại Quận 12, hiện người dân, tổ chức có thể sử dụng hệ thống máy tính bảng cỡ lớn tại khu vực “một cửa” hoặc thông qua các thiết bị có nối mạng để tiếp cận cổng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin quy hoạch, chính sách, tin tức, thông báo từ chính quyền, thực hiện các thủ tục về tư pháp, hộ tịch, sao y, đăng ký lao động, xin số nhà, đăng ký giấy phép xây dựng, đăng ký hộ kinh doanh cá thể, theo dõi tiến độ hồ sơ…

Tuy nhiên, đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách TTHC TPHCM cho thấy trong số 100% đơn vị thực hiện cải cách TTHC, vẫn có 8% đơn vị không có kế hoạch kiểm soát cải cách TTHC. Trong khi đó, đây lại được xem là cơ sở để cấp trung ương và chính quyền các tỉnh thành cắt giảm các nội dung, quy trình, thủ tục, văn bản không cần thiết theo thẩm quyền, “cứ kêu than rằng thủ tục nhà nước nhiêu khê, quy trình kéo dài nhưng bản thân mình là người điều hành thực tế mà không có kế hoạch kiểm soát, không tham mưu đề xuất thì làm sao TTHC rút ngắn được?”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn “phê” và cho rằng đây là biểu hiện buông lỏng của người lãnh đạo đơn vị.

Nguy cơ cồng kềnh bộ máy khi có cả TTHC online lẫn offline

Nói về những bất cập và khó khăn khi thực hiện cải cách TTHC, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12 cho hay riêng công tác cấp giấy chứng nhận qua nhiều thời kỳ trên nhiều nền tài liệu khác nhau đã làm xuất hiện rủi ro cấp giấy chứng nhận trùng ranh, lấn thửa; Có những hồ sơ với nguồn gốc phức tạp phải phối hợp nhiều cơ quan để xác minh và kiểm tra trên thực địa; hồ sơ cấp giấy chứng nhận quy hoạch lần đầu thường tăng rất mạnh do quy hoạch một số khu vực được điều chỉnh. Điều này cũng khiến tỷ lệ xử lý hồ sơ trễ hạn lĩnh vực nhà đất còn lớn; “tỷ lệ tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tổ chức, cá nhân vẫn thấp”, ông Hiếu tự nhận xét.

Ngày 6/10/2017, UBND quận 1 (TPHCM) triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến: Đăng ký cấp bản sao giấy tờ hộ tịch; cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Đồng quan điểm này, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Quận 1 cũng cho rằng đúng là hiện nay nhiều người dân vẫn chưa thấy tin tưởng dịch vụ công trực tuyến, vẫn thích nắm tờ chứng nhận/biên nhận để đúng lịch hẹn trực tiếp tới cơ quan chức năng nhận lại hồ sơ mới yên tâm.

Vị lãnh đạo Quận 1 cũng lo ngại “nếu thiếu tuyên truyền, làm không khéo sẽ dẫn đến việc chính quyền phải duy trì song song hai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, một trực tuyến và một thủ công thì sẽ lại càng tốn kém ngân sách, gây khó khăn cho công tác tinh giản biên chế”. Ngoài ra, “cải cách thủ tục hành chính cũng phải đồng bộ giữa các quận huyện chứ mỗi nơi lại có ứng dụng/phần mềm đặc thù riêng thì sẽ gây khó khăn cho người dân”, ông Thuận nói thêm khi đề xuất nên có sự phối hợp liên thông trực tuyến khi cải cách TTHC.

2018: Khảo sát sự hài lòng của người dân, buộc cải cách TTHC

Theo kế hoạch chung từ Ban Chỉ đạo Cải cách TTHC, TPHCM sẽ tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn ngay trong năm 2018. Thành phố cũng sẽ hoàn thành kết nối hệ thống “một cửa điện tử” với các sở ngành, công khai kết quả xử lý phản ánh của người dân/tổ chức về TTHC.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến còn khẳng định chủ trương đồng bộ hóa công tác cải cách TTHC, giao Sở Nội vụ đánh giá, góp ý thêm cho những quận, huyện đã có các mô hình cải cách TTHC thành công. Từ đó, pháp lý hóa các mô hình này thành nội dung chính thức do UBND TPHCM triển khai để bắt buộc nhân rộng, “vì kêu gọi sự tự nguyện nên hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Tuyến nhấn mạnh thêm về biện pháp cứng rắn sẽ áp dụng.

Tại các địa bàn tiên phong về ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhiều kế hoạch cụ thể cũng đã được đưa lên “bệ phóng”. Nếu như Quận 1 dự kiến triển khai dịch vụ công cấp chứng chỉ quy hoạch trực tuyến, phần mềm liên thông quản lý xử phạt vi phạm hành chính và phần mềm giải quyết đơn thư hành chính, khiếu nại tố cáo thì tại Quận 12, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin dành cho dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân tại khu vực “một cửa” cũng hứa hẹn sẽ được tăng cường.

Để khuyến khích người dân, tổ chức hưởng ứng sử dụng dịch vụ công online, Sở tài chính TPHCM đồng thời dự kiến sẽ tham mưu UBND trình HĐND TPHCM đề xuất miễn giảm lệ phí dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Dự kiến đến hết năm 2018, TPHCM sẽ có 30-40% số lượng TTHC được đưa vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Có thể thấy, trong tương lai xa, cải cách TTHC phải tất yếu gắn với xu thế ứng dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lúc ấy, sự hình thành những chính quyền điện tử từ những đơn vị quản lý hành chính nhà nước cấp địa phương sẽ là minh chứng thuyết phục nhất cho sự phát triển của một nền hành chính minh bạch và hiện đại.

Phương Hiền

Top