Cải tạo phát triển khu trung tâm TPHCM: Công trình xanh và Bảo tồn phát triển di sản kiến trúc đô thị

16/12/2014 11:40 PM

(HCM CityWeb) – Sáng ngày 16-12, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM đã tổ chức hội thảo “Cải tạo phát triển khu trung tâm TP: Công trình xanh và Bảo tồn phát triển di sản kiến trúc đô thị” với sự tham dự của các kiến trúc sư, chuyên gia hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị.

 

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định TP là nơi đón nhận xu hướng kiến trúc xanh sớm nhất được du nhập từ các nước trên thế giới. Đến nay, một số công trình đạt được chứng nhận xanh quốc tế và trong nước như tòa nhà văn phòng Unilever (quận 7), tòa nhà văn phòng Central Point (Phú Nhuận), khu căn hộ cao cấp Estella (Thủ Đức)... Tuy nhiên các công trình này vẫn còn khá khiêm nhường khi chỉ có 1 công trình có chứng nhận LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh của Mỹ), 2 công trình có chứng nhận của Green Mark (Singapore) và chưa có công trình nào đạt chứng nhận Lotus (chứng nhận độc lập một dự án đạt mức thân thiện với môi trường). Đặc biệt TP còn đang xếp sau khá nhiều thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur… về phát triển công trình xanh do nhận thức của người tiêu dùng về môi trường, phát triển bền vững còn rất thấp; nhà đầu tư e ngại chi phí đầu tư cho công trình xanh; Chính phủ chưa có các chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể; hiểu sai về khái niệm công trình xanh...

Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị cần tạo được thị trường công trình xanh bằng cách thúc đẩy phát triển công trình xanh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và giá trị của công trình xanh và sự gắn kết giữa nhiều phía từ giáo dục cho đến các nhà tư vấn thiết kế xanh.

Ngoài việc giới thiệu các lợi ích về công trình xanh cùng những đề xuất tháo gỡ các vướng mắc tồn tại trong triển khai, hội thảo giới thiệu về định hướng cải tạo phát triển khu trung tâm TP theo hướng công trình xanh cùng với việc bảo tồn phát triển giá trị các di sản kiến trúc đô thị.

KTS Lương Thu Anh (Sở QHKT) cho biết, yêu cầu phát triển và bảo tồn trung tâm TP theo hướng công trình xanh phải cân bằng giữa phát triển mới và bảo tồn đặc trưng đô thị lịch sử. Với quy mô hiện hữu là 930ha, khu trung tâm TP sẽ được áp dụng các giải pháp để tôn tạo các cấu trúc lịch sử song song với việc nâng cao chất lượng môi trường sống bằng cách hạn chế tăng dân số; cân đối lại một cách hợp lý việc phát triển cao tầng ở khu vực lõi trung tâm hiện hữu; tập trung phát triển cao tầng, thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn; mở không gian đô thị về phía sông; tổ chức hệ thống không gian ngầm và không gian đi bộ…

Minh Dung

 

Top