Cần cảnh giác tình trạng đầu cơ bất động sản khi hội nhập

19/01/2016 8:15 AM

(Chinhphu.vn) - TPP được dự báo sẽ kéo dòng tiền đầu tư lớn đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM. Theo các chuyên gia BĐS, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường phát triển ở tất cả các phân khúc, nhưng đồng thời cũng là “miếng mồi” béo bở đối với các đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Khen thưởng các đơn vị có nhiều đóng góp tích cực đối với hoạt động thị trường BĐS TPHCM năm 2015. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Đó là ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Hiệp hội BĐS TPHCM vừa diễn ra ngày 18/1.

Đánh giá chung tình hình thị trường BĐS TPHCM năm 2015, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố cho biết, thị trường BĐS TPHCM năm 2015 tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh ở tất cả các phân khúc, thể hiện qua số giao dịch nhà ở đạt trên 26.000 giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2014. Phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán 1 tỷ đồng vẫn là trụ cột của thị trường.

Về giá BĐS tại TPHCM năm 2015 nhìn chung có biến động nhẹ, với mức tăng trung bình từ 5-6% so với thời điểm năm 2014. Trong đó, căn hộ bình dân có mức tăng giá thấp nhất (khoảng 2%), căn hộ trung bình có mức giá tăng khoảng 5%, căn hộ trung bình khá có mức tăng giá khoảng 5-8%.

“Điểm nhấn” nữa của thị trường BĐS TPHCM trong năm vừa qua là việc lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện loại sản phẩm căn hộ chung cư cho thuê giá rẻ của tư nhân đầu tư (với 125 căn hộ, diện tích 19m2/căn, giá cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng), đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhà ở của người lao động tại TPHCM.

Theo các chuyên gia tại Hội nghị, về nguyên nhân góp phần thúc đẩy thị trường BĐS TPHCM năm 2015 tăng trưởng là do thành công của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng một cách thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt. Nhiều ngân hàng thương mại đã hợp tác chặt chẽ, kịp thời cung ứng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp BĐS, cũng như hỗ trợ người mua nhà.

Các chính sách mới của Nhà nước cũng tiếp tục phát huy tác dụng và có tác động tích cực đến thị trường BĐS TPHCM. Việc Nhà nước cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở, và việc Chính phủ cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết hàng tồn kho BĐS, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thống kê của cơ quan chức năng TPHCM cho thấy, qua 6 tháng thực hiện Luật Nhà ở 2014, đến nay tại TPHCM có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua căn hộ cao cấp. Về giải quyết hàng BĐS tồn kho, tính đến hết năm 2015 toàn Thành phố đã bán được 11.088 căn trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho phát sinh từ năm 2012 (giảm 76,5%).

Dự báo tình hình thị trường BĐS TPHCM sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong năm 2016 nhưng chưa bền vững do mất cân bằng, các chuyên gia nhận định, tại TPHCM hiện có quá nhiều dự án nhà ở cao cấp và thiếu hụt nguồn cung các loại nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê… trong khi đó nhu cầu ở những phân khúc này đang là rất lớn.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành cho rằng, thời gian tới các doanh nghiệp BĐS tại TPHCM cần có sự điều chỉnh chiến lược phát triển BĐS giá rẻ, vừa túi tiền. Trong đó cần tập trung nghiên cứu xây dựng thêm nhiều khu chung cư cho thuê giá rẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách của người lao động trên địa bàn Thành phố.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Tổng Giám đốc Công ty đại ốc Đất Lành, vấn đề cần lưu ý trong năm 2016 là phải có sự chuẩn bị tốt trước tác động của việc hội nhập quốc tế đối với thị trường BĐS TPHCM.

Ông Đực cho rằng, thời gian tới thị trường BĐS TPHCM sẽ “nóng” hơn khi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực và kéo theo dòng tiền đầu tư lớn đổ vào thị trường BĐS TPHCM. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ở tất cả các phân khúc, nhưng đồng thời cũng là “miếng mồi” béo bở đối với các đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Do đó, để hạn chế tối đa việc tăng giá ảo làm méo mó thị trường BĐS trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các chủ đầu tư, sàn giao dịch và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp, qua đó bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời giúp thị trường BĐS phát triển bền vững.

Để thị trường BĐS TPHCM tiếp tục tăng trưởng trong năm 2016, các chuyên gia cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng; có biện pháp giải quyết tình trạng đầu tư BĐS “tự phát” tại các khu dân cư… Đặc biệt là nghiên cứu cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS đang trong tình trạng "chết lâm sàng" trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM, toàn Thành phố hiện có 1.219 dự án BĐS còn hiệu lực triển khai, trong đó có 405 dự án chưa thể khởi công và 97 dự án dù đã khởi công nhưng phải tạm ngừng thi công vì vướng mắc chủ yếu trong việc giải tỏa, đền bù dự án.

Phan Hoàng

Top