Cần hạn chế chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư dự án

22/09/2017 9:10 AM

(Chinhphu.vn) - Đối với thị trường bất động sản (BĐS), dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án, kể cả hình thức BT, BOT, PPP phải thông qua hình thức đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư công khai, rộng rãi.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biển đổi khí hậu giai đoạn 1, số vốn gần 10.000 tỷ đồng đã được UBND TPHCM chỉ định Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện theo hình thức PPP. Ảnh: VGP

Đó là quan điểm của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) khi góp ý vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Theo HoREA, Luật Cạnh tranh năm 2004 sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của nước ta, và góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Đánh giá về bản dự thảo, HoREA cho rằng đề án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, về cơ bản đảm bảo được cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định pháp luật; quy định rõ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chống lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hoặc vị trí độc quyền.

Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực BĐS, HoREA đưa ra một số góp ý:

Về quy định "Thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu" tại khoản 4 điều 11 dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có sự khác biệt về thuật ngữ với quy định về "thông thầu" tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu. HoREA đề nghị nên sử dụng khái niệm "thông thầu" với nội hàm như đã quy định tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường được quy định tại khoản 2 điều 12 dự thảo Luật; và đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể được quy định tại điều 13 dự thảo Luật; HoREA nhận thấy cụm từ "một cách đáng kể" nếu không được định lượng, hoặc quy định các tiêu chí để đánh giá tính chất "một cách đáng kể" thì sẽ khó áp dụng trên thực tế.

Trong trường hợp này, HoREA đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung giao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết thế nào là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh "một cách đáng kể" trên thị trường.

Liên quan đến quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương VI dự thảo Luật, theo HoREA, quan trọng là cần quy định các tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi vì trên thực tế có rất nhiều loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, và giao cho Chính phủ quy định các biện pháp chế tài nếu đối tượng vi phạm các điều cấm này.

Riêng tại khoản 5 điều 46 dự thảo Luật ghi "5. Lôi kéo khách hàng bất chính", HoREA cho rằng, về cấu trúc văn phạm chưa chuẩn, và đề nghị chỉnh lại "5. Có hành vi bất chính nhằm lôi kéo khách hàng" cho phù hợp hơn.

Đặc biệt, đối với thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả thông qua các hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT); Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT); Hợp tác công - tư (PPP) phải thông qua hình thức đấu giá đất; đấu thầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi.

Với các trưởng hợp chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Khắc phục tình trạng chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư một cách tràn lan, nhất là đối với các công trình - dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh, sự minh bạch, tính cạnh tranh. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều đang rất mong đợi, kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Mạnh Hùng

Top