Cần sớm thúc đẩy đào tạo trực tuyến tại Việt Nam

15/12/2019 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến mà nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng đào tạo e-learning tại Việt Nam, xu hướng thế giới và các yếu tố phát triển các loại hình đào tạo trên ở Việt Nam” do Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức ngày 14/9.

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo với sự tham gia của gần 100 đại biểu là nhà quản lý, giảng dạy và nghiên cứu từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Hội thảo tập trung trao đổi về xu hướng phát triển e-learning trên thế giới và các bài học kinh nghiệm Việt Nam cần chú ý. Đồng thời các đại biểu còn trao đổi về thực trạng ứng dụng e-learning tại các trường đại học Việt Nam hiện nay, những thuận lợi và thách thức của quá trình này.

Hội thảo nhận được gần 40 tham luận có giá trị từ các nhà nghiên cứu và giảng dạy đến từ 20 trường đại học trên cả nước. Nhiều đại biểu cho rằng cần sớm có quy chế cũng như khung hành lang pháp lý đối với hình thức đào tạo hiện đại này. Giảng viên cũng phải được trang bị kỹ năng công nghệ cũng như xây dựng nội dung học liệu chất lượng và có thể chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục.

Trong buổi sáng, Hội thảo tập trung thảo luận về xu hướng thế giới và các bài học kinh nghiệm bao gồm các vấn đề về mô hình tổ chức học tập e-learning trong giáo dục đại học, vai trò công nghệ trong phát triển e-learning, huy động nguồn lực cho phát triển elearning, bảo đảm chất lượng giáo dục e-learning. Mục đích nhằm bước đầu xác định các định hướng lớn trong phát triển e-learning trong giáo dục đại học Việt Nam dựa trên phân tích xu hướng thế giới.

Buổi chiều, hội thảo chia thành ba nhóm thảo luận về các khía cạnh phát triển e-learning gồm: Thực trạng e-learning tại các trường đại học Việt Nam hiện nay; Chính sách phát triển e-learning Việt Nam và Các nhân tố tác động đến sự thành công của e-learning.

Các ý kiến đa chiều được tập hợp để hoàn chỉnh các nội dung khảo sát rộng rãi chuyên gia, người học, giảng viên, nhà quản lý các trường đại học nhằm phân tích thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển e-learning, làm cơ sở cho việc xây dựng các đề xuất liên quan đến chính sách phát triển e-learning trong giáo dục đại học, bao gồm cả việc phát triển giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng tại Việt Nam./.

Gia Mỹ

Top