Cần tạo điều kiện để người dân “quên” dần đi xe cá nhân

10/01/2018 8:21 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến về giải pháp giảm tải ùn tắc giao thông tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ an toàn giao thông năm 2018 trên địa bàn thành phố. Mỗi giờ kẹt xe TPHCM thiệt hại 2,4 tỉ đồng

Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến: Vỉa hè ở TPHCM còn rất phức tạp, giống như mảnh đất vàng, chỉ cần sơ hở là có người nhảy vào chiếm sử dụng. Ảnh: VNE

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, tại một đô thị lớn với mật độ dân cư dày đặc như TPHCM thì không thể đưa ra một giải pháp chung cho toàn thành phố, mà cần phải khảo sát, đánh giá tình hình giao thông cho từng khu vực.

“Chúng ta phải hiểu được mình đang gặp khó khăn gì ở từng khu vực, thì mới tìm ra giải pháp, chứ hiện nay vẫn đang loay hoay rồi đưa ra những giải pháp không toàn diện, rồi vấp phải phản ứng”, ông Trần Vĩnh Tuyến phân tích.

Theo ông Tuyến, một trong những mục tiêu của năm 2018 là tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng và tăng số người dân tham gia loại phương tiện này. Như một số nước đã có tiêu chí đánh giá sự văn minh là có bao nhiêu người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Chúng ta đã có xe buýt, taxi thuỷ, metro tuyến số 1 thì mình đã hoàn thành được 50% rồi, thành phố sẵn sàng ứng vốn để triển khai đúng tiến độ. Phải cố gắng hết sức để khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện giao thông công cộng”, ông Tuyến nói.

Bên cạnh đó, một bài toán mà thành phố đang tính đến là phải rút gắn được thời gian kết nối giao thông công cộng, tối đa 10 phút là người dân có thể tiếp tận bến, nhà chờ, phương tiện giao thông công cộng.

Cũng theo ông Tuyến: “Cần tạo mọi điều kiện để người dân “quên” dần đi xe cá nhân. Thành phố khuyến khích nhưng ở những chỗ không có phương tiện công cộng thì người dân đi kiểu gì, lại phải quay lại xe cá nhân? Phải làm sao tăng số xe công cộng lên khoảng 20%”.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần có cơ chế điều tiết hạn chế xe cá nhân như thu phí vào trung tâm theo giờ, phải có hành lang pháp lý, hệ thống công nghệ thu phí qua thẻ, bài toán này đang tính cho tương lai thành phố.

Vào những dịp lễ hội, những nơi công ích như đường sách, bưu điện… sẽ tổ chức thành các điểm giữ xe miễn phí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Vỉa hè là của giao thông

Đề cập sâu hơn tới vấn đề vỉa hè đang được người dân rất quan tâm, ông Tuyến khẳng định quan điểm của UBND TPHCM: vỉa hè là của giao thông.

Theo ông Tuyến, hiện nay thành phố vẫn phải tạm thời cho khai thác, sử dụng một phần vỉa hè. Tuy nhiên, người được giao sử dụng vỉa hè nào phải đảm bảo an toàn giao thông, có trách nhiệm quản lý đoạn vỉa hè đó.

“Vỉa hè ở TPHCM còn rất phức tạp, giống như mảnh đất vàng, chỉ cần sơ hở là có người nhảy vào chiếm sử dụng. Thậm chí sử dụng mỗi giờ đồng hồ cũng được. Nếu không có cách nhìn nhận đúng vấn đề, theo hướng tự quản thì rất khó”, ông Tuyến cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM giao từng quận, huyện phải có kế hoạch cụ thể về quản lý vỉa hè, sau đó giao lại cho từng phường, khu phố để gắn trách nhiệm cá nhân. Để lập lại trật tự vỉa hè cần có thời gian, phương án, kế hoạch cụ thể chứ không thể cứ “xuống đường” liên tục được.

Linh San

Top