Chỉ thị 16 yêu cầu người dân TPHCM tuân thủ những gì?

08/07/2021 5:38 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra một khu phong toả trên địa bàn Quận 12 trong sáng nay (8/7). Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo đó, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND TPHCM quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng  15 ngày kể từ 00h00 ngày 9/7/2021 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức.

Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP. Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, UBND Thành phố yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

Yêu cầu người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.  

Tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục. Tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn.

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Khi tổ chức các cuộc họp phải được người đứng đầu phê duyệt, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở không quá 1/3 tổng số người lao động; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Thành phố.

Về tổ chức triển khai hoạt động giao thông vận tải, dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô. Hạn chế tối đa việc di chuyển của nguời dân; trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết. Đồng thời dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”). Tạm dừng

Chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh lân cận, tổ chức giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hoá, vận chuyển công nhân, được lưu thông thuận lợi…

Tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). Đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời  cảng biển TPHCM, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ. Đối với các phương tiện thủy nội địa, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định).

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ TPHCM.

Ngành y tế được yêu cầu tăng cường truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 sớm, tránh lây lan trong cộng đồng. Phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các trung tâm y tế đánh giá các vùng dịch tễ dựa trên số liệu các ca bệnh, lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch và phân vùng nguy cơ tại các địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm cũng như quyết định khu vực nào cần phong tỏa, xét nghiệm tầm soát diện rộng hơn để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.

Thực hiện điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1… Thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm… Mở rộng các khu cách ly tập trung đạt công suất 50.000 giường và đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly, kiểm soát không để lây nhiễm ra cộng đồng…

Sở Công thương đảm bảo ổn tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 -150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu của người dân Thành phố.

Ngoài ra, các ngành chức năng như: Công an, Quân đội, thông tin, tuyên truyền; du lịch; lao động, thương binh và xã hội; xây dựng; tài nguyên môi trường; các khu công nghiệp, khu chế xuất… tùy theo chức năng cũng được yêu cầu tham

UBND TPHCM cho rằng, hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh nhưng nguồn lực phòng chống dịch của Thành phố vẫn đảm bảo, Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. Thành phố đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố; phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”; đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ ngành mình quản lý tham mưu UBND Thành phố kế hoạch, phương án triển khai trên địa bàn Thành phố, thực hiện trước ngày 9/7/2021; chịu  trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được    phân công phụ trách; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc.

Mạnh Hùng

Top