Chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam ở Nam Sudan

27/01/2020 7:06 PM

(Chinhphu.vn)- Những câu chuyện về các bác sĩ, điều dưỡng viên tình nguyện Quân đội nhân dân Việt Nam tới Nam Sudan làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho quân nhân, chuyên gia của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tổ chức khám, điều trị bệnh nhân tại Nam Sudan. Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1 cung cấp

Ngày 1/10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của quân đội Việt Nam với 63 người, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Sau hơn 1 năm ở Nam Sudan, các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại địa phương.

Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, giúp đỡ người dân địa phương, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Đại uý, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân (thứ 4, từ trái sang) nhận quyết định mới sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: VGP/Huy Phạm

Không nề gian khổ

Chúng tôi gặp Đại uý, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân và đồng đội trong buổi lễ công bố và trao quyết định điều động cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vào ngày cuối năm 2019 tại Bệnh viện 175.

Ấn tượng ban đầu khi gặp Ngân là đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính cận, mái tóc ngang vai buộc gọn, tác phong nhanh nhẹn và nét cá tính của nữ quân nhân không lẫn vào đâu được. Chị năm nay 33 tuổi, chưa lập gia đình. Tại Nam Sudan, Ngân là bác sĩ khám bệnh của khoa khám bệnh. Công việc cụ thể là bước đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.

Chị cười và bảo ngày đầu mới trở về Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn bè xót ruột vì “thấy Ngân đen và… xơ xác quá”.

Dù đã nghiên cứu rất nhiều về châu Phi, nhưng Ngân vẫn bị cảm sốt do thời tiết thay đổi. Ban ngày rất nóng, tới 40 độ C, có hôm hơn 50 độ, bụi mù mịt nhưng ban đêm lại khá lạnh, chỉ 17-18 độ thôi. Dù vậy, “chưa bao giờ thấy mình mạnh mẽ như thế khi làm được tất cả mọi việc. Nếu ở nhà, có việc các anh nam giới hỗ trợ còn ở đây mình phải luôn chủ động, không trông chờ, ỷ lại.”, Ngân kể.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện hướng dẫn các em học tập. Ảnh: Bệnh viện cấp 2 số 1 cung cấp
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện hướng dẫn các em học tập. Ảnh: Bệnh viện cấp 2 số 1 cung cấp

Ca mổ đầu tiên

Ở Nam Sudan, từ tháng 6 tới tháng 9, sốt rét là bệnh khiến nhiều người lo lắng. Những bệnh lý về tiêu hoá, hô hấp, chấn thương là phổ biến nhất. Nặng nhất là những ca mổ.

Cuối tháng 11/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tiếp nhận một quân nhân người Mông Cổ. Người đàn ông này nhập viện trong tình trạng đau bụng nhưng không kêu la vì đau  mà chỉ im lặng, mày nhíu chặt. Nhìn mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt đủ để hiểu anh ấy đau đến mức nào. Chẩn đoán ban đầu, quân nhân này bị viêm ruột thừa, nhưng bệnh biến chứng nặng, phải mổ ngay.

Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm nhưng mỗi lần nhắc lại, Đại uý Phạm Thị Thu Trang vẫn nhớ như in ca mổ đầu tiên này.

Chị Trang kể: “Chúng tôi vừa nhận bàn giao buổi sáng thì tối có ca mổ luôn. Hôm đó là khoảng cuối tháng 11. Người bệnh là quân nhân nên sức chịu đựng rất tốt. Từ khi chuẩn bị mổ đến lúc xong mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện mổ trong lều, ở môi trường dã chiến nên máy móc trang thiết bị cũng sẽ có một số hạn chế, cùng với đó là nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn, mọi thao tác đều phải rất cẩn trọng”.

Đại uý Phạm Thị Thu Trang nhận Bằng khen của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng. Ảnh: VGP/Huy Phạm

Đi 2 lần rồi vẫn muốn đi lần nữa

Trung uý Nguyễn Văn Tám (28 tuổi, quê Hải Dương) vừa trở về sau 14 tháng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Là con út trong gia đình có 2 anh em, chưa lập gia đình, với Tám đó chính là cơ hội để anh tích luỹ kinh nghiệm sống cho mình, đồng thời là dịp cống hiến cho đất nước.

14 tháng  ở Nam Sudan, Trung uý Tám làm nhiệm vụ lái xe. Trời nắng thì bụi bay mù mịt, trắng xoá cả đường, trời mưa thì lầy lội.  Đó là chưa kể tới tập quán, quy tắc giao thông mỗi quốc gia, khu vực khác nhau, có nơi người đi bên trái (là đúng luật) nên những người như ở Việt Nam sang (đi bên phải) cũng khó tránh va chạm, rồi đường xá ổ gà ổ voi chằng chịt.

Tuy vậy Tám cho biết đi nhiều sẽ quen và trải nghiệm thực tế này sẽ là những kinh nghiệm quý  để chia sẻ với đồng đội cho chuyến đi tới.

Còn với Trung úy Nguyễn Văn Tám, anh vẫn muốn được đi làm nhiệm vụ thêm lần nữa.

Ghi chép của Huy Phạm

Top