Chống ngập cần đi từ những việc nhỏ

16/09/2015 7:19 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh các công trình chống ngập lớn chưa hoàn thành, PGS. TS Hồ Long Phi (Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất phương án “Thích nghi với lũ” gồm một loạt các giải pháp nhỏ mang lại hiệu quả để giải quyết tình trạng ngập lụt tại TPHCM.

Ngập úng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Những trận mưa lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại TPHCM, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người hộ dân.

Điển hình như trận mưa lớn xảy ra ngày 15/9 đã khiến nhiều tuyến đường ở các quận Bình Thạnh, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Tân... ngập như sông.

Tìm lời giải cho bài toàn ngập nước đang là vấn đề hóc búa đối với TPHCM, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2002 đến nay, tại TPHCM xuất hiện 29 trận mưa lớn (trên 100 mm). Tính riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã có 12 trận mưa trên 100 mm xảy ra khắp TP.

Để khắc phục tình trạng ngập nước, thời gian qua TPHCM đã huy động nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý là việc đưa vào vận hành 4 dự án ODA lớn, bổ sung 175,05 km cống vào hệ thống thoát nước chung của TP gồm các dự án: Cải thiện môi trường nước; Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Nâng cấp đô thị; Đại lộ Võ Văn Kiệt.

Dự kiến đến hết năm 2015, TP phấn đấu giải quyết 49/58 điểm ngập do mưa và 24/26 điểm ngập do thủy triều.

Không thể phủ nhận những dự án, công trình nêu trên là yếu tố quan trọng và cần thiết để giảm ngập đối với khu vực TPHCM. Tuy nhiên, đến nay do hầu hết các dự án chỉ mới bắt đầu triển khai hoặc chuẩn bị thực hiện nên hiệu quả chưa thực sự rõ nét. Trong khi đó, tình trạng ngập nước tại TP vẫn thường xuyên tiếp diễn, nhiều nơi xuất hiện điểm ngập mới với mức ngập ngày càng tăng.

Cần đi từ những giải pháp nhỏ

Bàn về giải pháp chống ngập cấp bách, PGS. TS Hồ Long Phi cho rằng, đối với một đô thị đặc thù sông nước như TPHCM, việc áp dụng các giải pháp công trình như xây đê bao, hồ điều tiết… là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công trình lớn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn và thời gian thi công kéo dài, TP cần tập trung vào những giải pháp nhỏ, dễ triển khai để giải quyết tình trạng ngập nước.

PGS. TS Hồ Long Phi đề xuất phương án “Thích nghi với lũ”. Theo đó, trước hết TP cần tập trung xây dựng các công trình hỗ trợ cho hệ thống cống thoát nước hiện hữu, nghiên cứu thời tạm giữ lại nước trong trường hợp có mưa lớn bằng các công trình "chia tải" quy mô nhỏ với cống thoát nước ưu tiên.

Ví dụ, có thể vận động người dân, các doanh nghiệp xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà hoặc trong công sở. Bể chứa nước mưa này vừa làm chức năng chứa nước, chia tải cho hệ thống cống thoát nước, vừa có thể dùng làm nơi trữ nước mưa và người dân có thể dùng cho một số nhu cầu của mình như tưới cây, rửa xe...

Theo PGS. TS Hồ Long Phi, nếu làm tốt cả hai chức năng nêu trên, bể chứa nước mưa không những sẽ giúp giảm ngập mà còn giúp Thành phố tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho việc sản xuất và cung cấp nước sạch đến từng hộ dân.

Đối với những khu vực không thể xây dựng bể chứa nước mưa hay những khu vực công cộng lớn như công viên, sân trường, thậm chí ở một số tuyến đường, có thể bố trí dưới mặt đất những kết cấu rỗng có tính năng hút và giữ nước. Những kết cấu này đủ cứng để xe ô tô du lịch hay xe tải nhỏ có thể đi qua. Một phần nước mưa sẽ được giữ lại ở các kết cấu rỗng và khi hệ thống cống đã thoát được hết nước mưa (hoặc một phần), lượng nước trong phần kết cấu rỗng sẽ được cho thoát dần ra cống.

Một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc đã áp dụng và rất thành công với giải pháp chống ngập này. Việt Nam có thể tham khảo bởi chi phí đầu tư kết cấu rỗng không quá lớn, khoảng 50 USD đến 100 USD/m3.

Giải pháp giảm ngập nữa cần xem xét là lồng ghép công tác chỉnh trang đô thị với công tác chống ngập, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Cụ thể trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, bên cạnh việc đưa vào sử dụng các loại vật liệu như bê tông thấm nước, cần giảm thiểu diện tích bê tông hóa, tăng diện tích mảng xanh như sân, vườn…; đồng thời nghiên cứu thiết kế các hạng mục bồn hoa, dải phân cách… làm nơi chứa nước mưa, qua đó tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho khu vực.

Phan Hoàng

Top