Chống xâm hại tình dục trẻ em: Làm sao để trẻ nói ra sự việc

11/05/2019 9:33 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/5, Trường THCS Lê Qúy Đôn, quận 3 (TPHCM) tổ chức buổi tọa đàm “Nhận biết và xử lý vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong môi trường học đường”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Lê Qúy Đôn, buổi tọa đàm sẽ cung cấp hiểu biết pháp luật và kiến thức tâm lý nền tảng về "Lạm dụng tình dục trẻ em" cho mọi người; làm thế nào để trẻ em nhận biết được dấu hiệu của kẻ định xâm hại và với các em đã bị lạm dụng, xâm hại nói ra sự thật; trách nhiệm của nhà trường, các tổ chức xã hội và phụ huynh… Đồng thời, đây là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh kỹ năng tự bảo vệ trước vấn nạn xâm hại trẻ em.

Tại hội thảo, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, nhiều vụ xâm hại trẻ em diễn ra thời gian gần đây cho thấy rất nhiều vụ gia đình không biết hoặc biết sau khi đã xảy ra nhiều lần. Điều nay cho thấy, các em bị hại gần như rất ngại ngùng, lo sợ khi chia sẻ với cha mẹ và người thân việc bị xâm hại.

Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân các em chưa hiểu đúng và đủ về quyền của mình, trong đó có 4 quyền cơ bản là quyền sống còn, quyền tham gia, quyền bảo vệ và quyền phát triển, cũng như việc nắm rõ luật về xâm hại chưa đầy đủ.

Cụ thể nhiều bậc phụ huynh và các em còn băn khoăn về ranh giới xác định như hôn lên trán hoặc vuốt tóc có gọi là hành vi dâm ô hay không? làm sao giúp học sinh phân biệt giữa đụng chạm an toàn và không an toàn?...

Vậy làm thế nào để trẻ nói ra sự việc? Th.s Nguyễn Hồng Ân, giảng viên trường Đại học Hoa Sen cho biết số lượng các vụ xâm hại ngày càng nhiều và để ngăn ngừa, ngăn chặn bên cạnh việc tăng cường kiến thức phòng tránh cho trẻ từ nhà trường, xã hội và gia đình thì cần khuyến khích để trẻ bị xâm hại nói ra. Cụ thể, cha mẹ hãy động viên, vỗ về, an ủi, xóa cảm giác mặc cảm, cho trẻ thấy rằng đó chỉ là một tai nạn và nhanh chóng đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ biết cách trao đổi, trò chuyện với trẻ.

Đặc biệt, theo Th.s Nguyễn Hồng Ân, khi nhận được thông tin của trẻ, các thầy cô phòng tham vấn tâm lý của trường hay các tổ chức xã hội cần bảo mật thông tin cho trẻ bị xâm hại. Có như vậy mới khuyến khích, tạo cơ hội cho các trẻ chia sẻ, tố cáo khi có nguy cơ xâm hại ngay từ đầu. Đó là nguyên tắc rất quan trọng mà người nhận thông tin từ trẻ hay phụ huynh cần ghi nhớ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho biết, hiện nay vẫn còn tồn tại việc trẻ bị chính người trong gia đình lạm dụng và bản thân họ không muốn làm lớn chuyện vì sợ sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, hạnh phúc gia đình. Sự im lặng, không tố cáo của các thành viên khác trong gia đình không chỉ là tội ác, mà là cơ hội để kẻ lạm dụng tiếp tục phạm tội.

Một thực tế cũng đáng lưu ý được Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM chia sẻ tại buổi toạ đàm là nhà trường và các tổ chức xã hội cần phổ biến kiến thức đầy đủ cho học sinh về độ tuổi phạm tội. Bởi vì khi đặt câu hỏi "Bắt đầu từ độ tuổi nào học sinh phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội" thì đa số học sinh ở các trường phổ thông đều trả lời là 16 hoặc 18 tuổi. Trong khi theo quy định của Luật Hình sự, trẻ em đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Kể cả trường hợp trẻ chưa đủ 14 tuổi, khi có hành vi phạm tội tuy không bị xử lý hình sự nhưng vẫn chịu xử lý bằng nhiều hình thức khác.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2014 đến 2016, cả nước xảy ra hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 2.500 vụ là trẻ trong độ tuổi từ 13-16 tuổi.

Đáng chú ý, có đến 93% thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người quen với các em, trong đó 47% là họ hàng, người trong gia đình. Riêng năm 2018 đã xảy ra 1.547 vụ với 1.579 nạn nhân.

Minh Thi

Top