Chủ tịch UBND TPHCM đối thoại với doanh nghiệp bất động sản

22/02/2020 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong có buổi đối thoại trực tiếp với gần 40 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành trả lời cụ thể những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Lê Anh

TPHCM có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực BĐS. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn được cho là đang gặp khó khăn, do quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu.

Theo thống kê, năm 2019, Thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.

Về nguyên nhân, theo các DN bất động sản, lý do gặp khó khăn là bởi các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai chưa thống nhất; nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý,... dẫn đến chưa đảm bảo quy trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước tình hình này, UBND TPHCM có dự thảo kế hoạch giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng... trong đó đưa ra quy trình 6 bước để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản.

Theo quy trình của UBND TPHCM đưa ra, để thực hiện một dự án BĐS có đất hỗn hợp, DN phải trải qua 6 bước. Trong đó, bước 1 làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, bước 3 làm thủ tục giao thuê đất, bước 4 quy định DN phải làm thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, bước 5 mới được cấp “sổ đỏ” dự án, bước 6 DN mới được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Theo đánh giá của nhiều DN BĐS, quy trình này là quá dài vì đến bước thứ 6 mới cho DN làm giấy phép xây dựng. Đặc biệt mới đến bước thứ 4 đã bắt DN phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian, tiền tiếp tục “ngâm” trong đất. Nếu thủ tục triển khai dự án quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng.

Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát đề xuất đến bước thứ 3 có thể làm cùng một lúc là thẩm định quy hoạch 1/500 thì được nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, có thể làm thủ tục giao thuê đất để xin phép xây dựng. Có những bước làm song song với nhau nhưng vẫn đầy đủ pháp lý, đúng thủ tục. Nếu làm được điều này sẽ giảm được gần 2 năm, từ đó giảm chi phí cho DN, kéo theo giảm giá nhà đất cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành phải quyết liệt hơn, tập trung trả lời cụ thể, rõ ràng những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm triển khai dự án.

Với vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của lãnh đạo thành phố, ông Phong đề nghị các sở, ngành chuyên môn có văn bản tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Lê Anh

Top