Chủ tịch UBND TPHCM gặp gỡ 30 doanh nghiệp cơ khí - điện

18/07/2018 7:39 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đã có buổi làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm nơi sản xuất của Công ty TNHH Lập Phúc. Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM cho biết, một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) trong hiệp hội gặp phải trong thời gian qua đó là chính sách thuế.

Cụ thể, DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0% nhưng DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%. Sự khập khiễng về thuế dẫn đến sự khập khiễng về giá thành sản phẩm, cộng với thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… đã dẫn đến thị trường tiêu dùng sản phẩm cơ khí doanh nghiệp nội bị hạn chế.

DN nội cũng đang chịu sự đối xử không công bằng với doanh nghiệp FDI. Ví dụ như việc DN FDI được các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hỗ trợ đất đầu tư nhà xưởng, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Trong khi DN nội phải chật vật tự tìm đất sản xuất, còn cơ chế hỗ trợ thì rất khó tiếp cận. Nhiều DN cơ khí không thể tìm được đất để mở rộng quy mô sản xuất. Thậm chí, có DN nhà xưởng xuống cấp, nhưng khi xin giấy phép nâng cấp và mở rộng lại nhà xưởng cũng rất khó được xem xét cấp phép.

Cũng theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM, việc thu hút đầu tư FDI nhằm tạo điều kiện cho DN nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế DN nội khó tham gia. Do vậy, cần có quy định ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa đối với các DN FDI.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, hiện các DN cơ khí trên địa bàn hầu hết quy mô nhỏ, toàn thành phố có khoảng 5.448 DN cơ khí. Bình quân vốn đầu tư đăng ký của một doanh nghiệp cơ khí chỉ khoảng 9 tỷ đồng.

Do đó, để tăng cường hỗ trợ các DN, Thành phố sớm triển khai đầu tư các khu công nghiệp do nhà nước làm chủ đầu tư để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí. Xây dựng các cụm công nghiệp cơ khí - điện - tự động hóa với chi phí mặt bằng thấp, để các doanh nghiệp tham gia vào cụm dễ dàng, tạo các liên kết giữa các DN, tăng sức mạnh tổng hợp để ngành cơ khí có đủ năng lực trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp FDI, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.

Về chính sách thuế, Thành phố cần kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các biểu thuế nhập khẩu đúng với luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/9/2016.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các sở, ngành kiểm tra lại những thủ tục hành chính còn rườm rà, những vướng mắc trong thủ tục hỗ trợ vốn cho DN, tạo điều kiện để các DN cơ khí của Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển.

Liên quan đến đất dành cho sản xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM dự kiến sẽ phát triển từ 18 Khu công nghiệp hiện nay lên 23 Khu công nghiệp, tạo điều kiện cho DN có mặt bằng để mở rộng sản xuất. Về thị trường, hiện thành phố đã ký kết hợp tác với 50 địa phương của các quốc gia trên thế giới. Do đó, bên cạnh việc DN chủ động tìm kiếm thị trường, các hiệp hội cần cùng với các đơn vị chức năng của Thành phố kết nối, hỗ trợ từng ngành nghể cụ thể trong xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Lê Anh

Top