Chủ tịch UBND TPHCM: Không nên quá lạc quan khi nhiều ngành trọng yếu giảm tốc

22/07/2019 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019 của TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành phong cho rằng, không nên quá lạc quan vào con số tăng trưởng 8,58% của ngành công nghiệp khi có tới 3 trong 4 ngành trọng yếu, với quy mô giá trị sản xuất lớn đang tăng chậm. Nhiều lý do khiến TPHCM giải ngân vốn đầu tư công chậm
Cơ khí chế tạo - một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM đang có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ 2018. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86%, tương đương với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 7,86%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6,7%. Đây là mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,16%), trong đó, công nghiệp tăng 8,58% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,14%), xây dựng giảm 1,5% (cùng kỳ tăng 7,24%).

Đáng chú ý, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước chỉ tăng 5,5%, trong khi cùng kỳ có mức tăng tới 9,55%.

Mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của ngành điện tử - công nghệ thông tin, với mức tăng 28,31% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,15%), nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư tại Thành phố. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành này trong cơ cấu các ngành công nghiệp lại nhỏ, không đủ để kéo lại chỉ số chung.

Trong khi đó, ba nhóm ngành chủ lực khác có sự tụt giảm tăng trưởng không hề nhẹ. Qua 6 tháng, ngành Cơ khí chế tạo chỉ tăng 3,0%, trong khi cùng kỳ tăng 13,1%. Hóa chất - cao su - nhựa cũng được coi là công nghiệp trọng điểm của Thành phố nhiều năm nay nhưng chỉ tăng 0,8% (cùng kỳ tăng 6,66%). Và cùng kỳ có mức tăng tới 8,7%, nhưng 6 tháng qua, ngành Chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống cũng chỉ tăng 1,0%.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019 của TPHCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành phong cho rằng, không nên quá lạc quan vào con số tăng trưởng 8,58% của ngành công nghiệp, do có tới 3 trong 4 ngành trọng yếu, với quy mô giá trị sản xuất lớn đang tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ, và điều này sẽ tác động tới quy mô toàn ngành.

“Năm ngoái, 6 tháng, ngành công nghiệp tăng 7,14%, nhưng các ngành trọng yếu đều có mức tăng trưởng cao hơn con số trung bình này, tại sao năm nay lại thấp đến vậy, phải có câu trả lời rõ ràng, thì mới mong khắc phục được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu vấn đề.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, nếu với mức tăng trưởng hiện tại, sẽ khó lòng bảo đảm được mục tiêu đề ra. Nghị quyết của Thành uỷ, HĐND Thành phố đề ra chỉ tiêu tăng GRDP ở mức 8,3 - 8,5%, như vậy 6 tháng cuối năm ít nhất phải tăng 8,74 - 9%, con số không dễ để thực hiện.

Thị trường thay đổi là nguyên nhân chính

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm các chỉ số, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết, Sở đã nhận ra dấu hiệu sụt giảm của các ngành từ cuối tháng 4, tổ chức các đoàn làm việc với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tìm ra nguyên nhân chủ yếu do thị trường.

Trong cấu phần của ngành Cơ khí, ngành Sản xuất thiết bị điện ước tăng 3,6%, trong khi cùng kỳ tăng 26,3%. Nguyên nhân do năm 2018 có bổ sung Công ty TNHH Điện tử Sam Sung với sản lượng sản xuất rất lớn. Nhưng qua năm 2019, Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng giảm dần qua các tháng. Do vậy, chỉ số ngành sản xuất thiết bị điện không tăng cao như cùng kỳ.

Ngoài ra, với ngành này, sản phẩm chủ yếu là cung cấp thiết bị phục vụ ngành xây dựng, nhưng 6 tháng qua, tăng trưởng xây dựng giảm nên chỉ tiêu ngành cũng giảm theo.

Trong khi đó, ngành sản xuất xe có động cơ ước giảm 5,7% do sự sụt giảm sản lượng của 2 nhà sản xuất lớn là Isuzu và Mecedes. Trên địa bàn Thành phố hiện có sự gia nhập của các nhà sản xuất xe có động cơ khác là Daehan Motor, Vĩnh Phát Motor chuyên sản xuất các dòng xe bán tải. Tuy nhiên, do mới gia nhập thị trường nên sản lượng của các doanh nghiệp chưa được bổ sung vào rổ thống kê định kỳ hằng tháng. Cùng với đó, từ đầu năm, các xe nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu 0%, khiến mức tiêu thụ ô tô trong nước giảm, dẫn tới ngành sản xuất ô tô nội địa suy giảm theo.

Đối với nhóm ngành Hoá chất, cao su, nhựa, đại diện Sở Công thương cho hay ngành Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 0,24% (cùng kỳ tăng 4,69%). Về nguyên nhân, nhiều đơn vị trong ngành di dời nhà máy về các tỉnh, do lĩnh vực sản xuất hóa chất và phân bón hiện không khuyến khích phát triển trên địa bàn Thành phố.

Ngành Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 10,4%). Theo báo cáo của Hội cao su Nhựa TPHCM, thị trường cao su nội địa đang ổn định, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, nhưng thị trường xuất khẩu có khó khăn. Tuy nhiên, diễn biến của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tạo cơ hội xuất khẩu cao su vào thị trường Hoa Kỳ, hiện các doanh nghiệp đang nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm 2019, kỳ vọng dấu hiệu khả quan hơn với ngành trong thời gian tới.

Với ngành sản xuất chế biến thực phẩm, theo báo cáo, ngành này ước giảm 2,6% (cùng kỳ tăng 10,7%), một phần nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch tả heo Châu Phi nên nhu cầu thực phẩm từ thịt giảm, dẫn đến tồn kho lớn, các doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng cân đối sản xuất.

Để đạt được mục tiêu đề ra, đại diện Sở Công Thương cho biết Sở đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều đoàn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh để trực tiếp tìm hiểu khó khăn. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố đi cùng để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ các điểm “nghẽn”.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp, cũng là thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị hàng hoá cho Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, Sở đã lên kế hoạch tổ chức các hội chợ kết nối cung cầu giữa TPHCM với các địa phương khác; triển khai xúc tiến thương mại tại Bangkok (Thái Lan) và Australia từ nay tới cuối năm. Cùng với đó là công tác vận động các doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi, giải quyết hàng tồn.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cũng cho biết, nhận thấy buôn bán, giao thương theo cách truyền thống không còn phù hợp với nhịp độ phát triển của Thành phố, Sở Công Thương đang tích cực hoàn thành song song 2 đề án về phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử, dự kiến cuối tháng 11 tới sẽ trình UBND Thành phố thông qua.

Thu Lê

Top