Chứng khoán Việt Nam: Giữa “sóng gió”, sức hấp dẫn vẫn tăng

08/02/2019 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Khép lại năm 2018 đầy sóng gió của chứng khoán thế giới, nếu hàng loạt thị trường lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, HongKong, Nhật Bản, Hàn Quốc đều “đỏ rực” thì tại Việt Nam, điểm số cùng màu của chỉ báo VN-Index dường như chưa nói lên tất cả.

Căn cứ đưa ra nhận định trên là bởi trong năm 2018, khối ngoại tại đây vẫn mua ròng tới gần 1,9 tỷ USD, tăng rất mạnh so với con số 1,2 tỷ USD của năm 2017. Đây cũng là mức mua ròng lớn nhất trong 10 năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán mới là một phần bức tranh kinh tế

Năm 2018 là quãng thời gian mà chúng khoán Việt Nam được xem là có biến động nhiều nhất trong 10 năm gần đây. Chỉ số VN-Index liên tục thăng hoa trong 4 tháng đầu năm (tăng 22%) và đã ghi nhận mức điểm kỷ lục vào trung tuần tháng 4 (1.204 điểm).

Tuy nhiên, bước sang tháng 5, khi cuộc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vào hồi gay cấn thì các sàn chứng khoán lớn trên thế giới cũng đua nhau giảm điểm, tiếp đó là giai đoạn lao dốc gần 40% giá của dầu thô… Tất cả đã nhấn chìm nỗ lực hồi phục vào giai đoạn giữa năm của các sàn chứng khoán tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, chỉ số VN-Index chỉ còn 892 điểm, giảm 9,3% so với năm 2017, và mất 25% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4.

Theo ông Park Won Sang, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS, hiện kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu với thế giới nên những biểu hiện trì trệ của kinh tế toàn cầu chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực nhất định lên chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn từ yếu tố cung-cầu, sự sụt giảm của chứng khoán Việt Nam một phần do sức mua tạm thời giảm xuống khi dòng tiền bị chia sẻ bởi nguồn cung lớn từ các đợt IPO nhiều DN nhà nước cùng diễn ra trong năm (IPO Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tại UPCoM đã thu về gần 7.000 tỷ đồng; IPO Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn thu về hơn 5.560 tỷ đồng; IPO Tổng Công ty Dầu Việt Nam thu được gần 4.180 tỷ đồng; IPO Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng thu về hơn 1.300 tỷ đồng… ).

Còn với TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính Đại học Ngân hàng TPHCM - Thị trường chứng khoán về lý thuyết có thể phản chiếu nền kinh tế nhưng ở trường hợp Việt Nam, thị trường vẫn được xem là còn ở thời kỳ mới phát triển, chưa thực sự hoàn thiện, nhất là vì quy mô hãy còn quá nhỏ - trong số gần 700 nghìn DN trên cả nước chỉ mới có hơn 1.500 DN niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn. “Do quy mô nhỏ nên thị trường còn nhiều sự chi phối của các dòng tiền lớn và tất nhiên chưa thể là hàn thử biểu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, hay nói đúng hơn mới chỉ phản ánh một góc nhỏ”, vị chuyên gia tài chính nhận xét.

Nếu để ý, không khó để những ai theo dõi kinh tế Việt Nam nhận thấy cảnh báo sớm về chứng khoán hồi đầu năm (tại Hội thảo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam 19/3/2018) từ TS Vũ Viết Ngoạn  - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - rằng “tình hình tài chính thế giới có thể nói rất là hưng phấn cho đến hết năm 2017. Tổng tài sản của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) do tác động của chính sách nới lỏng định lượng đã tăng lên rất nhiều lần trong khi GDP danh nghĩa của các nền kinh tế lại không tăng lên tương ứng. Điều đó nghĩa là một lượng tiền rất lớn mà NHTW bơm ra đang nằm đâu đó, có thể là tại chứng khoán và bất động sản. Vì một phần sự hưng phấn của chứng khoán có lý do của yếu tố tiền tệ nên khi hoạt động của chính sách tiền tệ trở lại bình thường thì không khỏi tác động đến chứng khoán. Có điều mỗi nền kinh tế lại có cách thức khác nhau để ‘hạ nhiệt’ thị trường theo một lộ trình nhất định”.

Xây kỳ vọng từ kinh tế vững, tiêu dùng mạnh và cổ phiếu rẻ

Tuy chịu tác động từ thế giới nhưng sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam là không thể phủ nhận. Dù thị trường chung có một năm không mấy suôn sẻ nhưng chốt lại, nhóm người chơi “lão luyện” - nhà đầu tư ngoại - vẫn tiếp tục đổ thêm vốn vào một số cổ phiếu mạnh. Thống kê từ Công ty chứng khoán Rồng Việt cho thấy hàng loạt mã cổ phiếu hấp dẫn vẫn thu hút được lượng giao dịch lớn như: NVL: 3.500 tỷ đồng; VHM: 28.500 tỷ đồng; MSN: 10.000 tỷ đồng.

Khép lại năm 2018 đầy sóng gió của chứng khoán thế giới, nếu hàng loạt thị trường lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc đều “đỏ rực” thì tại Việt Nam, điểm số cùng màu của chỉ báo VN-Index dường như chưa nói lên tất cả. Bởi khối ngoại tại đây vẫn mua ròng tới gần 1,9 tỷ USD, tăng rất mạnh so với con số 1,2 tỷ USD của năm 2017. Đây cũng là mức mua ròng lớn nhất trong 10 năm qua.

Nhìn vào động thái gia tăng đầu tư của các nhà môi giới - cũng có thể thấy nhiều công ty chứng khoán nước ngoài đang rất tích cực đón đầu vận hội mới với các hoạt động tự doanh hay margin. Riêng lượng vốn ròng tăng thêm tại một số công ty chứng khoán ngoại đã lên tới gần 7.200 tỷ đồng (Mirea Assets, KIS, Shinhan, KB…).

Dự báo từ nhà môi giới KIS cho hay phân tích kỹ thuật thể hiện rằng VN-Index khó mà giảm sâu dưới mức 900 điểm. Mức dao động sẽ trong khoảng từ 850-1.100 điểm. Và “tin vui” sẽ đến vào nửa cuối năm khi căng thẳng Mỹ - Trung tìm được “tiếng nói chung” và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chấm dứt lộ trình tăng lãi suất. Theo đó, cổ phiếu các ngành kinh doanh như dệt may, y tế, dược phẩm, hàng tiêu dùng nội địa, phát triển khu công nghiệp, cảng biển, hạ tầng điện… sẽ có bước chuyển động lạc quan. “Chứng khoán Việt Nam ở góc nhìn dài hạn vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhờ nền tảng vững chắc của tiêu dùng trong nước, chủ trương phát triển thị trường vốn của Chính phủ, nỗ lực cải cách chính sách để kinh tế Việt Nam hấp dẫn hơn nữa với các dòng đầu tư”, ông Park Won Sang nhận định.

Chiến lược gia Jonathan Garner từ Ngân hàng Morgan Stanley cũng tin rằng năm nay đại công xưởng Trung Quốc có thể sẽ áp dụng chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một kịch bản đồng USD suy yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giãn ra sẽ tạo nên hiệu ứng tốt cho các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ) thì dự báo chứng khoán tại Đông Nam Á có thể khởi sắc trong năm 2019. Với cơ sở vững chắc là nơi duy nhất ở khu vực này thu hút được nguồn vốn FII ròng trong năm 2018, tốc độ tăng FDI và GDP dự báo vẫn ở mức cao, chứng khoán Việt Nam được tin tưởng sẽ có một năm tăng điểm.

Theo tính toán của nhóm các nhà nghiên cứu Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2019 từ Đại học Ngân hàng TPHCM, định giá các công ty niêm yết tại Việt Nam hiện đã về vùng rất hợp lý, nếu không nói là rẻ so với khu vực cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, với P/E ở mức 12 lần. Đây đa phần cũng là những DN đã vững vàng vượt qua các biến động lớn của nền kinh tế giai đoạn 2008-2015, tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ ít, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa nên sức đề kháng trước các rủi ro lãi suất, tỷ giá là khá tốt. “Ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết năm 2019 ở mức khá cao, từ 14-15%”, Báo cáo nhận định.

Hiện tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm hai sàn niêm yết và sàn UPCOM) ước đã xấp xỉ 80% GDP. Giá trị giao dịch đạt trung bình 5.000 tỷ đồng/phiên (tăng từ mức 4.013 tỷ đồng/phiên giai đoạn đầu năm 2018).

Phương Hiền

Top