Chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp: Nguồn lực to lớn cho TPHCM

16/07/2018 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Theo ước tính, nếu đem đấu giá thành phố sẽ thu về trên 1,5 triệu tỷ đồng. Đây được coi là một nguồn lực to lớn cho TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM: Sẽ xử nghiêm vi phạm trong quản lý đất công

Dự kiến, nếu TPHCM đấu giá 26.000ha đất nông nghiệp, chuyển thành đất đô thị, dịch vụ sẽ thu được 1,5 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tạo nguồn vốn cho phát triển

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND TPHCM diễn ra từ ngày 10-12/07, phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho TPHCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất sử dụng cho mục đích công nghiệp và dịch vụ.

Lãnh đạo Thành phố cho rằng việc cơ cấu lại mục đích sử dụng đất và rà soát hiệu quả sử dụng các dự án đất công tại TPHCM hiện nay là rất cần thiết đặc biệt khi 7 chương trình đột phá hiện đã đi được nửa chặng đường nhưng gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Nhiều dự án mới huy động vốn được hơn 60% thậm chí như chương trình chỉnh trang đô thị mà trong đó mục tiêu giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà ven kênh rạch đến năm 2020 có thể chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch.

Trong bối cảnh các chương trình đột phá gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, thì nguồn vốn xã hội hóa rất cần thiết và TPHCM nếu không có giải pháp đột phá thì nguy cơ các chương trình này sẽ không về đích như kế hoạch đề ra.

Theo đó, ngoài các chính sách khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, thu hút đầu tư với các chính sách ưu đãi thì việc phát huy nguồn lực đất đai là một trong những giải pháp khả thi đối với TPHCM trong giai đoạn hiện nay. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nếu đem đấu giá 26.000 ha đất nông nghiệp thì giá trị ước tính sơ bộ thành phố sẽ thu về là 1,5 triệu tỷ đồng, đây là nguồn lực to lớn tạo nguồn vốn cho TPHCM phát triển.  

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho hay ngành nông nghiệp hiện chỉ đóng góp chưa tới 1% trong tổng cơ cấu kinh tế của TPHCM và chủ trương của Thành phố hiện nay là hướng tới xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng nông nghiệp sạch để tạo ra giá trị sản phẩm cao mà không cần quá nhiều diện tích.

Việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp đã có trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm (2011-2020) của TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó. Theo kỳ quy hoạch 10 năm, thì TPHCM được chuyển mục đích sử dụng đất hơn 29.000 ha trên tổng quỹ đất nông nghiệp toàn thành phố là hơn 118.000 ha. Trong kỳ đầu (2010-2015), TPHCM đã chuyển được hơn 3.000 ha. Còn lại 26.000 ha đất nông nghiệp thì tiếp tục được phép chuyển mục đích trong kỳ cuối (2016-2020).

Cũng theo người đứng đầu ngành TN&MT Thành phố, từ chủ trương trên Thành phố sẽ phân bổ kế hoạch thực hiện hằng năm cho từng quận, huyện. Vận động người dân cũng như doanh nghiệp đã đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đúng theo tiến độ để đưa nguồn lực này vào khai thác có hiệu quả theo đúng mục đích được quy hoạch.

Cần có cuộc rà soát tổng thể

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại tình trạng sử dụng đất công sai mục đích gây lãng phí thậm chí là thất thoát ngân sách của Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận. Chỉ trong 2 năm 2016 và 2017, Thanh tra Thành phố đã thanh tra, phát hiện hàng chục đơn vị quản lý, sử dụng đất công sai mục đích.

Tình trạng các dự án được giao đất nhưng không triển khai nhiều năm, bỏ hoang gây lãng phí hay nhiều khu vực nằm trong quy hoạch treo không thực hiện khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong hơn 5 năm gần đây, chính quyền TPHCM đã thu hồi 576 dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất với tổng diện tích khoảng 5.900 ha.

Theo Sở TN&MT, TPHCM sẽ rà soát lại hiệu quả sử dụng đất khoảng 1.400 dự án, nếu chủ đầu tư yếu năng lực, chậm triển khai sẽ xử lý thu hồi. Dư luận cho rằng, TPHCM cần phải có một cuộc “cách mạng” trong rà soát tổng thể, nhằm chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng sử dụng đất công không đúng mục đích, gây lãng phí, thất thoát, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án treo nhiều năm qua.

Có thể nói, đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng, có ý nghĩa to lớn chiến lược trong sự phát triển của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Nếu quản lý, sử dụng và khai thác một cách khoa học, hợp lý đất đai thì đây sẽ là một nguồn lực to lớn phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TPHCM.

Anh Tuấn

Top