Chuyên gia hiến kế giảm ngập, chống tắc đường

24/09/2015 11:55 AM

(Chinhphu.vn) - Trong công tác quy hoạch đô thị, thực tế tại TPHCM đang có tình trạng làm quy hoạch theo quy trình ngược dẫn đến phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, nghĩa là đô thị hóa tự phát cả về không gian, kiến trúc và dân số.

TS. Trương Đình Hiển – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam). Ảnh VGP/Phan Hoàng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về KTXH, những năm qua, TPHCM đã có bước đột phá trong công tác quy hoạch đô thị với những công trình giao thông, kiến trúc hiện đại, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Thành phố ngày càng văn minh.

Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” về KTXH, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cũng đã để lại không ít hệ lụy.

Về lĩnh vực giao thông, nạn kẹt xe tại TPHCM đang có hiều hướng tái diễn trở lại, đặc biệt là tại các khu vực cửa ngõ phía Đông, Nam dẫn vào khu trung tâm Thành phố. Nguyên nhân kẹt xe được cơ quan chức năng xác định bắt nguồn từ việc thiếu diện tích đường giao thông và lượng phương tiện cá nhân gia tăng.

Thống kê cho thấy với khoảng 26 triệu km2 đường giao thông và hơn nửa triệu phương tiện cá nhân, diện tích đường xá tại Thành phố chưa thể đáp ứng nhu cầu giao thông của một đô thị hiện đại.

Ở lĩnh vực môi trường, tình trạng ngập nước ở các khu dân cư vẫn diễn ra nghiêm trọng. Sau những trận mưa lớn, hàng chục tuyến đường khắp Thành phố lại chìm trong bể nước, có nơi ngập sâu đến 0,6m và diện tích ngập lớn nhất là hơn 31.000 m2.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết những vấn đề đô thị, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, theo TS. Trương Đình Hiển – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), tại TPHCM, những hệ lụy từ quá trình phát triển đô thị như kẹt xe, ngập nước vốn không mới nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong công tác quy hoạch đô thị, thực tế tại TPHCM đang có tình trạng làm quy hoạch theo quy trình ngược dẫn đến phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, nghĩa là đô thị hóa tự phát cả về không gian, kiến trúc và dân số. Đây là nguyên nhân khiến các vấn đề liên quan đến đô thị tại Thành phố ngày càng bức xúc.

Đối với lĩnh vực này, không thể sửa chữa bằng cách xóa đi để quy hoạch lại. Biện pháp trước mắt TPHCM cần kiên quyết không để phát sinh thêm những khu đô thị hóa tự phát mới, khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại những khu đô thị tự phát đã hình thành.

Về tình trạng ùn tắc giao thông, có thể xác định nguyên nhân gây ùn tắc là do đường xá chật hẹp và phương tiện cá nhân ngày càng nhiều. Biện pháp khắc phục không thể cứ làm mãi theo kiểu “gọt chân cho vừa giầy”, tắc đâu thông đấy sẽ gây nhiều tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Theo TS. Trương Đình Hiển, trong bối cảnh không thể tăng diện tích đất giao thông trong khu vực nội đô vì không còn quỹ đất và các giải pháp hạn chế xe cá nhân chưa có hiệu quả, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải kiên quyết thực hiện giải tỏa lòng lề đường, xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho người dân, đồng thời từng bước dãn bớt các cơ quan, trường học ra khỏi khu vực trung tâm để kéo giảm ùn tắc.

Đối với việc thực hiện các công trình chống ngập, đây là những dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thi công kéo dài nên không thể thực hiện một cách dàn trải. Trước hết, cần xác định tình trạng ngập nước ở Thành phố bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính là do thủy triều, mưa lớn và các công trình xây dựng.

Trong đó, cần nhận diện “giặc nước” chính là hiện tượng thủy triều. Trong vòng từ 5-10 năm tới, Thành phố cần tập trung tất cả nguồn lực để hoàn thành các công trình ngăn triều trọng điểm như: đê bao, cống ngăn triều… để tạo tuyến “phòng thủ” vững chắc. Các công trình này cũng cần phải được tính toán trên cơ sở khoa học để thích ứng với biến đổi khí hậu trong chu kỳ trăm năm.

Sau khi hoàn thành các công trình ngăn triều, sẽ tiếp tục dành thời gian từ 3-5 năm để tiến hành nạo vét hệ thống sông ngòi, kênh rạch vốn dày đặc trên địa bàn Thành phố, tận dụng làm nơi trữ nước tự nhiên để giảm ngập vào mùa mưa. Phương án này chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với biện pháp đào hồ điều tiết làm nơi trữ nước như đề xuất hiện nay.

Cũng liên quan đến công tác chống ngập, vấn đề nữa cần lưu ý là TPHCM đang nghiên cứu xây dựng đặc khu kinh tế trên địa bàn quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Do một số khu vực trong đó vốn là vùng trũng tự nhiên của Thành phố nên trong quá trình xây dựng cần tập trung xem xét, đánh giá kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời lưu ý xây dựng các giải pháp chống ngập về sau.

Phan Hoàng

Top