Cơ hội nào cho nông nghiệp Việt từ xứ hoa anh đào?

18/01/2019 7:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hợp tác với một nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản là một trong những định hướng để dần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ghi nhận từ Hội thảo Hướng tới Phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững mới diễn ra tại TPHCM

Hợp tác lâu dài với những nền nông nghiệp hiện đại, có những điều kiện tương đồng là con đường khả thi để Việt Nam gây dựng được nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (MARD), thời gian qua các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong 2 năm qua, số DN đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp đã tăng lên gấp đôi, từ khoảng 4.000 DN lên hơn 9.000 DN. Nếu tính cả 42.000 DN đang làm dịch vụ đầu vào, đầu ra, chế biến… thì tổng cộng có hơn 50.000 DN đang tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Hỗ trợ Nông dân-Nông thôn (thuộc Hội Nông dân Việt Nam), hiện lao động nông thôn đang chiếm gần 50% lao động toàn xã hội. Mặc dù dồi dào nhưng chất lượng còn thấp, năng lực kỹ thuật có hạn. Phân bổ lao động giữa các vùng miền chưa thực sự đồng đều. Bên cạnh đó, lại đang có sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ làm xuất hiện dấu hiệu già hóa lao động nông nghiệp.

Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức khác như độ đồng nhất về quy cách, năng suất, chất lượng sản phẩm; sức cạnh tranh yếu. Đất đai cũng manh mún khi 9 triệu hộ nông dân chỉ có quy mô sản xuất trung bình là 0,5-0,6ha/hộ nên khó khăn khi tổ chức sản xuất lớn với cơ giới hóa. Thách thức ô nhiễm môi trường do phân bón - thuốc trừ sâu chưa được sử dụng hợp lý, tác động của biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi…

“Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đúng là sẽ rất khó hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo được chất lượng, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Và cao hơn nữa là đảm bảo tiêu chuẩn bền vững về môi trường - như các khách hàng quốc tế yêu cầu”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (MARD) nhận định.

Về phía lực lượng DN, câu chuyện quan trọng nhất hiện nay không còn là nguồn vốn nữa mà là những trăn trở để tìm cách “bơm” khoa học công nghệ và quản trị sản xuất hiện đại vào nông nghiệp, kết nối với nông dân và thị trường hiệu quả hơn…

Hợp tác với Nhật Bản, có thể “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn”

Giữa những ngổn ngang thách thức, một nền nông nghiệp theo hướng bền vững với định hướng “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn” - tức tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường nhưng vẫn tạo ra giá trị gia tăng cao - đã có những bước đi đầu tiên.

Theo đó, cơ cấu cây trồng đã được dịch chuyển dần từ thế độc canh cây lúa sang nuôi trồng thủy sản, trái cây... Dẫu còn ít ỏi nhưng nền nông nghiệp Việt Nam đang ghi nhận 33.000 hecta với 1.920 cơ sở sản xuất có đăng ký VietGAP; nhiều thành tựu công nghệ, khoa học tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, chế biến nông sản…

Vì vậy, định hướng hợp tác lâu dài với nền nông nghiệp hiện đại, có những điều kiện khá tương đồng về văn hóa, xã hội là con đường khả thi để Việt Nam dần gây dựng được nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên vấn đề là có cơ hội nào để nông nghiệp Việt Nam “xích lại” gần hơn và hợp tác sâu hơn với nền nông nghiệp đang rất thành công như Nhật Bản hay không?

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân-Nông thôn, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để đón nhận các kinh nghiệm và kỹ thuật của Nhật Bản. Trước hết là quyết tâm và sự ưu ái của chính sách dành cho nông nghiệp. Thứ nữa là nhiều tổ chức, DN Nhật Bản đã triển khai không ít dự án thành công ở Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng đang đưa nhiều lao động sang xứ sở hoa anh đào để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức sản xuất và kỹ thuật canh tác.

Ông Takebe Tsutomu - Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt cho hay do tình trạng già hóa dân số nên cơ hội cho thực tập sinh Việt Nam tới Nhật Bản và làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp ngày càng lớn. Những thực tập sinh có năng lực cũng được cất nhắc lên vị trí quản lý ngay tại các nông trại đang làm việc. Thậm chí, có những thực tập sinh khi trở về nước đã nhận được đầu tư từ các hộ nông dân/trang trại Nhật Bản để gây dựng mô hình sản xuất nông sản tương tự tại Việt Nam. “Người tiêu dùng Nhật Bản sẽ rất tin tưởng nông sản made-in-Vietnam nếu biết đây là những mặt hàng được áp dụng công nghệ, kỹ năng của chúng tôi hoặc đó là sản phẩm từ các nông trại được vận hành bởi những thực tập sinh Việt Nam từng làm việc ở Nhật Bản”.

Ông Takebe Tsutomu còn tin tưởng hiệp định CPTPP sẽ đặt nền tảng lớn hơn cho hợp tác sâu rộng của ngành nông nghiệp đôi bên - mà theo đó sẽ có nhiều DN Nhật Bản mong muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.

Hiện tại, Nhật Bản đang có 3 nhóm đầu tư chính vào nông nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi) thông qua các tổ chức của nhà nước ước khoảng 1,3 tỷ USD. Đây là những dự án nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng suất, xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, củng cố năng lực phòng chống thiên tai, đào tạo nhân lực…

Nhóm đầu tư gián tiếp (FII) chủ yếu vào các DN hoặc ngân hàng có tài trợ lớn cho nông nghiệp, nông thôn được cho là hoạt động khá hiệu quả. Riêng nhóm đầu tư trực tiếp (FDI) mới đạt 240 triệu USD, tức chỉ chiếm 0,42% trên tổng số 57 tỷ USD mà nhà đầu tư Nhật Bản rót vào Việt Nam.

“DN Nhật Bản rất kỹ lưỡng trong nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư nên tôi tin là sau những phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và ngành nông nghiệp hai nước thì đầu tư từ Nhật Bản vào nông lâm nghiệp Việt Nam có thể bùng nổ trong thời gian tới. Nhất là các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao trong chế biến và kỹ thuật cơ giới hóa”, nhà lãnh đạo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn kỳ vọng.

Phương Hiền

Top