Có một Ngày hội sử học ở TPHCM

28/12/2020 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2020 cũng là Ngày hội sử học lần thứ XII của Hội Khoa học lịch sử TPHCM diễn ra tại Hội trường Văn khoa của trường ĐH KHXH&NV.

Đông đảo hội viên các chi hội của Hội Khoa học lịch sử TPHCM; đông nhất là các chi hội mang tên các đại học, viện nghiên cứu có ngành sử (Chi hội Đại học KHXH&NV, chi hội ĐH Sư phạm, chi hội ĐH Sài Gòn, chi hội ĐH Văn hóa, chi hội Viện KHXH vùng Nam Bộ…), thầy cô giáo dạy sử và sinh viên lịch sử, văn hóa tham gia Ngày hội với nhiều trông đợi về học thuật, thành tựu mới, công trình nghiên cứu sử học. Các chi hội mang tên các nhà sử học Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức, Trần Quốc Vượng về dự hội để giao lưu với giới nghiên cứu. Các chi hội khác (chi hội Nghiên cứu và thực hành gia phả, chi hội Nghiên cứu biển đảo, các chi hội Bảo tàng…) đem đến ngày hội những thông tin nghề nghiệp về lịch sử.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay tròn 100 tuổi vẫn có mặt sớm như mọi lần vả bao giờ cũng “diện” áo dài khăn xếp màu vàng như đi dự lễ hội truyền thống vậy. Các hội viên chi hội Trịnh Hoài Đức cũng đồng phục áo dài khăn đóng gấm lụa màu xanh lam. 

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM (Giáo sư tiến sĩ Võ Văn Sen) nhớ lại lần đẩu tiên tổ chức ngày hội năm 2003 tại Bảo tàng TPHCM, mới có vài chục người, phải mượn cả khách tham quan cùng ít người quan tâm vào dự hội. Nhưng từ đó duy trì hằng năm, khi thì ở các bảo tàng, lần ở Đại học Văn hoá, ở Đại học KHXH&NV, Ngày hội sử học đã trở thành điểm hẹn hằng năm của giới yêu sử và làm nghề sử. Ngày hội ngày càng thêm hội viên, trong đó có đông đảo sinh viên lịch sử, văn hoá tham gia; mỗi năm thêm nhiều đại biểu từ các hội ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… đến dự. Mấy năm nay và nhất là năm 2020, Ngày hội sử học càng có thêm sự quan tâm của xã hội, trong đó có cả doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác... Họ đem đến Ngày hội nhiều ý kiến thực tiễn cuộc sống, những cuốn sách mới về lịch sử và nhiều học bổng cho sinh viên yêu thích sử, học giỏi sử.

Trọng tâm phần trao đổi học thuật năm nay có 3 chủ đề “Công trình thông sử Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh”; “Văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam”; “Vấn đề bảo tồn di sản đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) từ Hà Nội vào dự, phát biểu cho biết: Cả nước có 59 hội, chi hội trực thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với hơn 5.200 hội viên toàn quốc. Nhưng Hội Khoa học lịch sử TPHCM có 2 độc đáo song song: Một là có Đặc san Nam Bộ - Đất và Người (đến nay đã xuất bản đều đều 15 tập, mỗi tập hàng chục bài viết của nhiều người trong và ngoài hội sử) và hai là Ngày hội Sử học được tổ chức thường xuyên, liên tục (đến nay là lần thứ 12). Ngày hội là ngày hội của thông tin sử học. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thông tin: Nhiều thành viên Hội Khoa học lịch sử TPHCM và các tỉnh thành phía nam trong mấy năm gần đây đã tham gia biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (25 tập chính sử và 5 tập biên niên), tham gia biên soạn Bộ lịch sử Nam bộ 15 tập vừa được nhận giải thưởng Trần Văn Giàu, tham gia nhiều hoạt động khoa học và phổ biến kiến thức lịch sử văn hóa cho nhân dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM) đến dự và phát biểu cho biết: Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM có hơn 50 hội thành viên với hơn 60.000 hội viên, trong đó đông nhất và hoạt động mạnh nhất vẫn là Hội Khoa học lịch sử. Là Hội nghề nghiệp “ba không” (không trụ sở, không biên chế, không kinh phí) như nhiều tổ chức xã hội khác, nhưng Hội Khoa học lịch sử ra được sách hằng năm và tổ chức ngày hội sử học hằng năm. Cả hai việc này đều không dễ làm và càng không dễ duy trì có nề nếp.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM chia sẻ thông tin: Hội Khoa học lịch sử Thành phố đã làm được nhiều việc có ích cho Thành phố và cho chính hội viên, như tư vấn khoa học, phản biện xã hội, tư vấn giám định các công trình lịch sử văn hóa của Thành phố, tư vấn đặt-đổi tên đường phố, tham gia các hội thảo khoa học với hàm lượng khoa học có chất lượng cao. PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa mong Hội Khoa học lịch sử tiếp tục phát triển tổ chức hội và đưa ngày hội sử học xuống tận hệ thống giáo dục phổ thông, tổ chức nhiều hình thức phổ biến kiến thức lịch sử, liên kết các hội sử học các địa phương Nam Bộ. Từ thực tế ngày hội sử học, Liên hiệp hội muốn đặt hàng cho Hội Khoa học lịch sử phối hợp tổ chức hội nghị giao ban các Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật toàn quốc ở TPHCM trong năm 2021…

Ngày hội Sử học do Hội Khoa học lịch sử TPHCM chủ trì là một trong những hoạt động sáng tạo mới, mang nhiều ý nghĩa chính trị xã hội, không chỉ đáp ứng thiết thực đối với những nhu cầu của hội viên nghề nghiệp, mà còn là điểm sáng cần phổ biến cho nhiều bộ phận xã hội, nhất là trong thời kỳ đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế, việc giáo dục lịch sử và truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang là công việc ngày càng hệ trọng và bức thiết.

Hà Minh Hồng

Top