Cơ sở ăn uống mở lại theo phương thức “3 tại chỗ”

10/09/2021 9:00 PM

(Chinhphu.vn) - Các cơ sở ăn uống khi mở lại theo phương thức “3 tại chỗ", chủ động xét nghiệm trên nguyên tắc tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình.

Buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM chiều 10/9. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chia sẻ những quy định về an toàn phòng dịch tại các cơ sở ăn uống khi mở lại tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM về tình hình dịch bệnh chiều 10/9. Ông Tâm cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ chủ động thực hiện việc xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, các cơ sở trên sẽ tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình. Hiện nay việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo công điện mới của Bộ Y tế ngày 2/9 quy định. Tần suất lấy mẫu là 3 ngày/lần.

Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP. Thủ Đức để được cấp giấy đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 3 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin về hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống, hàng quán trong 2 ngày đầu mở cửa trở lại.

Trước đó, UBND TPHCM ban hành văn bản 2994 cho phép các loại hình kinh doanh ăn uống, hàng quán, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép mở cửa hoạt động từ 6h - 18h hằng ngày bằng hình thức mang về.

Sau 2 ngày, ông Phương cho biết số lượng cơ sở ăn uống mở lại thấp do nhiều nguyên nhân.

Các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động lại với tiêu chí an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”, chỉ bán đem về thông qua dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper). Mặt khác, shipper chỉ hoạt động tại một quận, huyện, dẫn đến việc tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như tiếp cận khách hàng không thuận lợi như trước đây. Do vậy, các chủ hàng quán cũng cân nhắc, tính toán việc mở cửa ở thời điểm này.

Đối với nhận định các hàng quán thiếu nguyên liệu sản xuất kinh doanh, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho rằng nhận định này là thiếu khách quan.

Bởi số liệu thống kê từ cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh ăn uống và các quận, huyện cho biết, TPHCM có hơn 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Danh sách hộ kinh doanh cá thể về dịch vụ ăn uống do chính quyền cấp quận, huyện cấp phép lên đến hàng chục nghìn đơn vị.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, việc cấp giấy đi đường cho các cơ sở kinh doanh ăn uống do chính quyền địa phương lập danh sách, tham mưu đề xuất cấp. Hiện Công an TPHCM chưa nhận được đề nghị của các quận huyện.

Vừa qua, khi mở rộng một số đối tượng được phép lưu thông trên đường, Công an TPHCM đã cấp về mỗi quận, huyện 100 giấy đi đường, riêng TP. Thủ Đức 300 giấy đi đường, tổng là 2.400 giấy để đảm bảo việc khôi phục của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Về việc người dân TPHCM cũng như người lao động ở các tỉnh, thành phố muốn quay trở lại Thành phố sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố chia sẻ, dựa trên các hướng dẫn của cơ quan y tế, Công an Thành phố sẽ hỗ trợ hết mức để người dân được quay trở lại, nhưng phải đảm bảo quy định về y tế, an toàn giãn cách.

Băng Tâm

Top