Cổ vũ thực phẩm sạch cũng là “đánh” thực phẩm bẩn!

20/10/2018 2:58 PM

(Chinhphu.vn) - “Nhiều thực phẩm sạch Việt Nam dù đang được xuất khẩu và ưa chuộng ở nước ngoài nhưng thị trường nội địa lại chả mấy mặn mà. Lỗi này cũng do chúng ta chưa dẹp thực phẩm bẩn tới nơi tới chốn” - Ý kiến Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM từ Tọa đàm Tuân thủ Tiêu chuẩn và Thương mại hóa sản phẩm bên lề Lễ hội Dinh dưỡng và Sức khỏe mới diễn ra tại TPHCM.

Năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 24 người tử vong.

Lao đao thực phẩm sạch trên “sân nhà”

Nắm bắt tâm lý quan ngại của nhiều người tiêu dùng về vấn nạn mất an toàn thực phẩm, bên cạnh những DN, cơ sở sản xuất đi tiên phong trong trồng trọt, kinh doanh sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế, thị trường cũng xuất hiện ngày một nhiều các loại nông sản, thực phẩm được quảng bá là sản phẩm hữu cơ (organic) hoặc những hình thức truyền thông gần tương tự như sản phẩm “định hướng hữu cơ”, sản phẩm “thuần tự nhiên”, sản phẩm sạch… mà không hề có bất cứ chứng nhận nào từ các tổ chức đánh giá, thẩm định trong và ngoài nước.

Ở nấc thang cao nhất của sản phẩm sạch - tức sản phẩm hữu cơ (organic), DN phải đáp ứng những tiêu chuẩn về nuôi, trồng, cấp chứng nhận nhất định. Tuy Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã ban hành bộ tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ Việt Nam từ cuối năm 2017 nhưng thị trường nội địa vẫn chưa ghi nhận được sản phẩm của DN nào mang “nhãn” organic Việt Nam. Trong khi đó, ở các hệ thống phân phối hiện đại và được nhiều người biết tới như siêu thị thì chủng loại và số lượng sản phẩm hữu cơ (có các chứng nhận quốc tế) hiện vẫn ở mức khiêm tốn.

Thống kê từ Ban An toàn Thực phẩm TPHCM (Ban ATTP) cho thấy mới khoảng 15% thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn được phân phối qua siêu thị với hệ thống quản lý chất lượng tương đối bài bản hơn các chợ truyền thống. Nhưng để đưa hàng vào siêu thị là cực kỳ khó. Bởi đây không chỉ là bài toán đáp ứng chất lượng mà còn là các thỏa thuận về kinh tế giữa DN với nhà phân phối (những điều kiện chiết khấu, gối đầu, trả chậm…). Nhiều DN làm sản phẩm hữu cơ tự trang bị hệ thống phân phối riêng, với “tâm niệm” tuy đầu tư tốn kém lúc ban đầu nhưng sẽ tiết kiệm hơn về sau. Tuy nhiên, số DN thực hiện được giải pháp này không nhiều vì đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh.

Trên thị trường chợ truyền thống, thực phẩm sạch cũng “lao đao”. Đa phần các mặt hàng hữu cơ “khó có đất sống” không chỉ vì yêu cầu về bảo quản và giá cả chưa hẳn đã phù hợp với đông đảo người bán, người mua mà còn bởi tâm lý rất nhiều người tiêu dùng vẫn đang chuộng kiểu “tiện đâu mua đó” tại các chợ vỉa hè hay chợ “xổm” tự phát. 

Thế nên, nhiều thực phẩm sạch Việt Nam dù đang được xuất khẩu và ưa chuộng ở nước ngoài nhưng thị trường nội địa lại chả mấy mặn mà.  “Lỗi này cũng do chúng ta chưa dẹp thực phẩm bẩn tới nơi tới chốn. Xuất khẩu sản phẩm sạch không phải lúc nào cũng được giá nhưng DN không có lựa chọn do đầu ra trong nước khó khăn quá khi phải cùng cạnh tranh với những hàng hóa không cùng chất lượng”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM nhận định.

Khuyến khích thực phẩm sạch: cũng “sứt đầu mẻ trán”!

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), có nhiều cơ quan mà DN có thể tìm tới để được tư vấn cấp chứng nhận và thực hiện  tuân thủ các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Đó có thể là Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc những nhà tư vấn - cấp chứng nhận tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam.

Còn trước mắt, để gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng trà trộn giữa các loại thực phẩm không cùng đẳng cấp chất lượng nhằm lừa dối người tiêu dùng, Ban ATTP TPHCM đang cùng các quận, huyện rà soát những cửa hàng kinh doanh sản phẩm organic và yêu cầu nộp các loại giấy tờ chứng minh. Các thông tin này sẽ được công bố công khai trong thời gian tới.

Tuy vậy, cũng theo Ban ATTP TPHCM, những âu lo về hiện trạng “lập lờ” sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ vẫn phải xếp sau ưu tiên hàng đầu hiện nay là làm sao để đông đảo người dân đến được với thực phẩm an toàn. Nhưng chuyện cổ vũ, khuyến khích nhân rộng thực phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng nhất định cũng không hề đơn giản.

Đơn cử như Chương trình phối hợp giữa Ban ATTP TPHCM và Sở GD&ĐT nhằm đảm bảo sử dụng thực phẩm đạt chuẩn cho bếp ăn, thí điểm tại các trường ở 6 quận, huyện nội thành. Tức thực phẩm ở đây không chỉ rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định (đạt chứng nhận Vietgap, Global gap, Chuỗi thực phẩm an toàn của Ban ATTP TPHCM, Chuẩn Hội nhập của Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao v.v…). Và thực tế triển khai cho thấy có hiện tượng các bếp ăn nhà trường sau khi “đặt vấn đề” hoặc “ ký hợp đồng” với nhà cung cấp thực phẩm sạch để “lấy tiếng” thì “biến mất tăm”, không thấy mua hàng nữa.

“Kết quả đạt được từ chương trình thí điểm này theo tôi là rất chậm vì nhiều trường chưa sẵn sàng đổi nhà cung cấp thực phẩm do ‘thói quen’ hay các ‘ràng buộc’ nhất định nào đó. Mới thí điểm có 6 quận, huyện mà khi làm còn sứt đầu mẻ trán. Bởi luật chỉ yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, không nhiễm vi sinh, tồn dư thuốc trừ sâu… chứ đâu nói thực phẩm phải tuân thủ chuẩn chất lượng nào đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan giải thích.

Được biết, Ban ATTP TPHCM  sẽ công khai các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chủ trương đảm bảo thực phẩm sạch cho học sinh như một phương thức gián tiếp để giới phụ huynh cùng đồng lòng tạo thêm sức ép cho các trường còn lại.

Có vẻ câu chuyện cổ vũ thực phẩm sạch để “đánh thực phẩm bẩn” ở đô thị 13 triệu dân này đang và sẽ là một cuộc trường chinh vất vả, không chỉ với các nhà quản lý, các doanh nghiệp có liên quan mà còn với cả người tiêu dùng.

Phương Hiền

Top