Công bố ứng dụng quản trị chuỗi cung ứng “made in Vietnam”

25/10/2018 10:03 PM

(Chinhphu.vn) - Một ứng dụng “made in Vietnam” dành để quản trị chuỗi cung ứng, được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain đã được công bố tại TPHCM chiều ngày 25/10.

Công nghệ blockchain mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...

Được phát triển bởi một doanh nghiệp Việt Nam, và chính thức công bố với thị trường từ tháng giêng năm nay, ứng dụng có tên Supply Chain - dành để quản trị chuỗi cung ứng - đã có được những mối quan tâm đầu tiên từ thị trường quốc tế.

Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ lúc mang sản phẩm đi quảng bá lần đầu vào hồi tháng giêng năm nay, nhà phát triển ứng dụng là công ty Lina Network đã chọn Thụy Sĩ - một trong những trung tâm tài chính, công nghệ của Châu Âu - làm nơi “chào sân”.

Đáng chú ý, sau khi được quảng bá là hướng tới các chuỗi cung ứng ngành thực phẩm, nông sản, thủy sản, những khách hàng đầu tiên đến với Supply Chain lại chính là những người láng giềng châu Á từ Thái Lan, Ấn Độ…

Theo người đại diện Tập đoàn Aim Thai Fruit - đơn vị chuyên chế biến trái cây xuất khẩu tại Thái Lan - từ khi có ứng dụng Supply Chain, doanh nghiệp đã hạn chế được nhiều vấn đề về quản trị quy trình giao dịch với các đối tác. Nhờ hệ thống có thể giúp các bên tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp truy xuất thông tin minh bạch, đồng nhất và nhanh chóng nên sau gần 5  tháng áp dụng, Aim Thai Fruit không chỉ tiết kiệm được chi phí quản lý mà số đơn hàng cũng đã tăng được khoảng 15-20% tùy từng thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Lina Network, dù có nhiều doanh nghiệp Việt đặt vấn đề tìm hiểu ứng dụng nhưng chưa có thương vụ nào được “chốt hạ” do đa số doanh nghiệp vẫn còn “hơi e ngại những thông tin liên quan đến chuyện làm ăn, kinh doanh sẽ có thể bị ‘trưng’ ra hết!”.

Thật vậy, blockchain là kiểu nền tảng công nghệ mà trong trường hợp cụ thể của ứng dụng Supply Chain thì người “chủ trì” lập ra chuỗi cung ứng không thể nào chi phối hay điều chỉnh thông tin của các thành viên khác trong chuỗi như: đối tác kinh doanh, nhà cung cấp nông thủy sản, hãng vận tải, người tiêu dùng… Nghĩa là, mỗi thành viên trong chuỗi có thể tìm hiểu mọi thông tin về từng sản phẩm, dịch vụ đến tận gốc rễ. Và những gian lận về xuất xứ, hạn sử dụng, quy trình bảo quản, vận chuyển… có thể dễ dàng bị “bóc trần” ở đúng nơi nó phát sinh.

Phương Hiền

Top