Công ty Bayer lưu hành tài liệu có 'đường lưỡi bò'

12/05/2020 3:18 PM

Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam gửi file tài liệu đính kèm bản đồ "đường lưỡi bò" cho các bộ phận, bị nhiều người phản đối.

Bản đồ đường lưỡi bò trong tài liệu được Tổng giám đốc Bayer Việt Nam chia sẻ cho các nhân viên.

Tài liệu Covid-19 - Lessons from China được Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam - quốc tịch Malaysia, gốc Trung Quốc, gửi cho trưởng các bộ phận tại Việt Nam qua email hồi cuối tháng 4, để "chia sẻ về bài học chống dịch thành công của Trung Quốc".

Theo quy trình làm việc tại công ty, trưởng bộ phận sẽ chia sẻ lại cho các nhân viên cấp dưới.

Ngay khi phát hiện bản đồ "đường lưỡi bò" trong file tài liệu, nhiều nhân viên người Việt tại Công ty Bayer Việt Nam phản đối. "Chúng tôi không thể chấp nhận việc phải chia sẻ tài liệu có hình ảnh vi phạm pháp luật, chưa kể công ty đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần dân tộc cũng không cho phép chúng tôi làm điều đó", một nhân viên nói với VnExpress.

Theo đại diện Công ty Bayer Việt Nam, Covid-19 - Lessons from China là tài liệu lưu hành nội bộ được chia sẻ giới hạn đến nhân viên trong công ty nhằm giới thiệu các ví dụ điển hình trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng y khoa trong khu vực Châu Á. "Tài liệu đã được thu hồi và chúng tôi đã tiến hành các bước cần thiết để tránh việc chuyển tiếp thông tin", đại diện công ty nói.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, việc lưu hành bản đồ đường lưỡi bò là vi phạm pháp luật Việt Nam. Sở đã nhận được thông tin về vụ việc và đang xử lý.

Bayer là một Tập đoàn của Đức, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và nông nghiệp. Tại Việt Nam, công ty này đã hoạt động hơn 25 năm. Tổng nhân viên Công ty Bayer Việt Nam cả nước, kể cả công nhân nhà máy khu công nghiệp Amata - Đồng Nai là khoảng 700 người.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Theo vnexpress.net

Top