Covid-19, phép thử với doanh nghiệp Việt

15/03/2020 6:19 PM

(Chinhphu.vn) - Tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp trong nước đã thấy rõ, tuy nhiên, mùa dịch bệnh cũng được cho là phép thử, để thấy rõ sức khỏe, khả năng thích nghi, năng lực ứng phó của doanh nghiệp Việt.

Nhân viên siêu thị xịt nước sát khuẩn tay cho khách hàng khi vào mua sắm.

Chị Huỳnh Kim Dung, quận 6, TPHCM chia sẻ: “Mấy ngày nay, khi đến Vinmart ở chung cư gần nhà, nếu không đeo khẩu trang thì bảo vệ của siêu thị không cho vào mua sắm”.  Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart xác nhận đây là biện pháp thiết lập không gian mua sắm an toàn trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều ngày 12/3, ông Nam cho biết thêm, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì doanh nghiệp này tập trung đẩy mạnh phương thức phi truyền thống, bán hàng online, bán qua điện thoại. “Chúng tôi phát triển mạng lưới đưa sản phẩm đến tận nhà khách hàng hay bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại, giá không tăng so với mua tại siêu thị”, ông Nam chia sẻ.

Đây cũng là cách làm của Intimex Group trong những ngày vừa qua. Trước đây, đơn vị này chủ yếu tập trung phân phối qua điểm bán trực tiếp, nhưng hiện nay sức mua tại cửa hàng giảm mạnh do người dân sợ đến nơi đông người. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, Intimex Group tổ chức bán gạo qua điện thoại.

“Người dân gọi điện đặt hàng và gạo sẽ được giao đến tận nhà, trong khi giá cả không thay đổi. Đơn hàng qua điện thoại tăng đột biến, còn hơn sức mua của mùa tết”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group chia sẻ bên hành lang Hội nghị trực tuyến ngành nông nghiệp. Không chỉ phục vụ thị trường tiêu thụ tại TPHCM, Intimex Group đang xuất kho khoảng 30 tấn gạo mỗi ngày cho thị trường Hà Nội.

Trong khi các doanh nghiệp phân phối thay đổi phương thức bán hàng theo hành vi của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu cũng xoay sở tình thế để không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch Covid-19, các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang cho thấy khả năng thích ứng như vậy.

Hàng loạt các thương hiệu may mặc xuất khẩu lớn như May 10, Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Phong Phú… đã tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, mặt hàng đang có sức mua rất mạnh. Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm 5% trong tháng 2 nhưng bù lại, các đơn vị thành viên của Vinatex đã cung ứng cho thị trường trong nước 25 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn.

Song song đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch Covid-19.

Người dân xếp hàng tại điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn của một thành viên Vinatex.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch giữa 2 nước năm 2019 đạt trên 100 tỷ đồng. Dịch Covid-19 tác động đáng kể đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất/nhập khẩu, liên kết với thị trường Trung Quốc. Nhằm chứng tỏ “sức đề kháng” của mình, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự Hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho hay đang tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế.

Ở cấp độ điều hành nền kinh tế, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đang cho thấy các doanh nghiệp không đơn độc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Gần đây nhất là Chỉ thị số 11 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Hay từ phía Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này cũng vừa ban hành Thông tư số 01, chính thức có hiệu lực từ ngày 13/3, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong các chính sách hỗ trợ được các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ hiện nay.

Sự nhanh chóng, quyết liệt trong điều hành từ cấp Chính phủ, đến các bộ, ngành và chính quyền các địa phương được kỳ vọng sẽ tiếp sức mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó khăn, sẵn sàng tăng tốc khi dịch Covid-19 đi qua./.

Băng Tâm

Top