Cục Thuế TPHCM thông báo các nội dung mới về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, áp dụng từ ngày 01-07- 2013

16/07/2013 8:55 AM

Cục Thuế TPHCM vừa thông báo các nội dung mới về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, theo thông tư số 64/2013/TT-BTC áp dụng từ ngày 01-07-2013.

 

Theo đó, từ ngày15-05-2013, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-07-2013 thay thế Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28-09-2010 và Thông tư số 13/2011/TT-BTC ngày 08-02-2011. Cục Thuế TP thông báo đến các cơ sở kinh doanh một sốnội dung mớicụ thể như sau:            
Về loại hoá đơn:
Các tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ có hoạt động vận tải quốc tế, xuất hàng hóa, dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu phải sử dụng hóa đơn GTGT, không sử dụng hóa đơn xuất khẩu.
Ký hiệu hoá đơn tự in:
Đối với hoá đơn tự in, 02 chữ số cuối là năm bắt đầu sử dụng hoá đơn ghi trên thông báo phát hành hoặc năm hoá đơn được in ra.
Ví dụ: Doanh nghiệp X thông báo phát hành hoá đơn tự in vào ngày 7/6/2013 với số lượng hoá đơn là 500 số, từ số 201 đến hết số 700. Đến hết năm 2013, doanh nghiệp X chưa sử dụng hết 500 số hoá đơn đã thông báo phát hành. Năm 2014, doanh nghiệp X được tiếp tục sử dụng cho đến hết 500 số hoá đơn đã thông báo phát nêu trên.
Trường hợp doanh nghiệp X không muốn tiếp tục sử dụng số hoá đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng thì thực hiện huỷ các số hoá đơn chưa sử dụng và thực hiện Thông báo phát hành hoá đơn mới theo quy định.
Số liên hoá đơn đối với tổ chức, cá nhân bán các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng:
Đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân kinh doanh tạo, phát hành hoá đơn có từ 3 liên trở lên, trong đó, giao cho người mua 2 liên: liên 2 “giao cho người mua” và một liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ tạo hoá đơn 2 liên mà liên 2 của hoá đơn phải lưu tại cơ quan quản lý đăng ký tài sản (ví dụ: cơ quan công an…) thì được sử dụng các chứng từ sau để hạch toán kế toán, kê khai, khấu trừ thuế, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo quy định: Liên 2 hoá đơn (bản chụp có xác nhận của người bán), chứng từ thanh toán theo quy định, biên lai trước bạ (liên 2, bản chụp) liên quan đến tài sản phải đăng ký.
Về dấu phân cách chữ số, chữ viết trên hoá đơn:
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán có sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán; chữ viết trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng chữ viết là chữ tiếng Việt không dấu và dấu phẩy (,), dấu chấm (.) để phân cách chữ số ghi trên hóa đơn như trên. Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn. Trước khi sử dụng các doanh nghiệp phải có văn bản đăng ký với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung hóa đơn lập theo cách ghi chữ viết, chữ số đã đăng ký.
Về nội dung bắt buộc trên hoá đơn tự in và hóa đơn điện tử:
Trên hóa đơn tự in và hóa đơn điện tử phải có tên, mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tự in hóa đơn đã làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn tự in trước ngày 01/07/2013 trên mẫu hóa đơn tự in không có tên, mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn thì doanh nghiệp phải bổ sung nội dung tên, mã số thuế (nếu có) của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơngửi thông báo điều chỉnh thông tin hóa đơn đơn theo mẫu số TB04/AC (mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư số 64/2013/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Về độ dài của hoá đơn tự in:
Mỗi mẫu hoá đơn sử dụng của một tổ chức, cá nhân phải có cùng kích thước (trừ trường hợp hoá đơn tự in trên máy tính tiền được in từ giấy cuộn không nhất thiết cố định độ dài, độ dài của hoá đơn phụ thuộc vào độ dài của danh mục hàng hoá bán ra.
Về tiêu thức dấu trên hóa đơn:
Đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán.
Về đối tượng được cấp hoá đơn:
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT thì cơ quan thuế không cấp hoá đơn.
Lập hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử trong cùng 1 tổ chức kinh doanh:
Trường hợp tổ chức kinh doanh có nhiều cơ sở bán hàng hoặc nhiều cơ sở được ủy nhiệm đồng thời cùng sử dụng một loại hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử có cùng ký hiệu theo phương thức truy xuất ngẫu nhiên từ một máy chủ thì tổ chức kinh doanh phải có quyết định phương án cụ thể về việc truy xuất ngẫu nhiên của các cơ sở bán hàng và đơn vị được ủy nhiệm. Thứ tự lập hoá đơn được tính từ số nhỏ đến số lớn cho hoá đơn truy xuất toàn hệ thống của tổ chức kinh doanh.
Về lập hóa đơn đối với các siêu thị, trung tâm thương mại:
Các siêu thị, trung tâm thương mại thành lập theo quy định của pháp luật được lập chung một (01) hóa đơn GTGT cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng). Trường hợp khách hàng mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) có yêu cầu xuất hóa đơn, các siêu thị, trung tâm thương mại phải lập hóa đơn GTGT cho từng khách hàng theo quy định.
Cách lập tiêu thức tên hàng hoá, dịch vụ:
Tiêu thức “Số thứ tự, tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền”: ghi theo thứ tự tên hàng hóa, dịch vụ bán ra; gạch chéo phần bỏ trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì gạch chéo bằng bút mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ.
Trường hợp người bán quy định mã hàng hoá, dịch vụ để quản lý thì khi ghi hoá đơn phải ghi cả mã hàng hoá và tên hàng hoá.
Các loại hàng hoá cần phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì phải ghi trên hoá đơn các loại số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hoá mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: số khung, số máy của ô tô, mô tô; địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của ngôi nhà hoặc căn hộ…
Về mất hóa đơn liên quan đến bên thứ ba:
Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: bên thứ ba là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hoá đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định.
Về lập báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn:
Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn chậm nhất là ngày 30 của tháng sau tháng cuối quý.
Về mẫu thay đổi thông tin phát hành hoá đơn:
Trường hợp hoá đơn đặt in có in sẵn tên, địa chỉnhưng chưa sử dụng hết, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì đóng dấu tên, địa chỉ bên cạnh tiêu thức đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp
Trường hợp thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì:
Tổ chức, cá nhân phải lập báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn gửi cơ quan thuế nơi chuyển đi.
Nếu tiếp tục có nhu cầu sử dụng số hoá đơn đã phát hành chưa sử dụng hết thì đóng dấu địa chỉ mới lên hoá đơn, gửi bảng kê hoá đơn chưa sử dụng (mẫu số 3.10) và thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế nơi chuyển đến.
Nếu không có nhu cầu sử dụng số hoá đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện huỷ hoá đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả huỷ hoá đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và thực hiện thông báo phát hành hoá đơn mới với cơ quan thuế nơi chuyển đến.
NS.
Top