Cụm công nghiệp cơ khí ô tô Củ Chi khát nhà đầu tư ngoại

27/03/2016 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2014, hơn 500 tỷ đồng đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) cơ khí ô tô tại huyên Củ Chi (TPHCM) để đón đầu dòng vốn ngoại chảy vào ngành cơ khí ô tô. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa có nhà đầu tư ngoại nào quan tâm.

Cụm công nghiệp cơ khí ô tô Củ Chi vẫn đang khát nhà đầu tư ngoại. Ảnh: VGP/Anh Minh

Đầu tư đón đầu  

Tháng 10 năm 2014, UBND TPHCM phê duyệt thành lập CCN cơ khí ô tô, với tổng diện tích gần 100 ha tại huyện Củ Chi do Công ty cổ phần Hòa Phú (được thành lập bởi 3 cổ đông gồm Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - Samco, CTCP Xây dựng Phát triển Sài Gòn - Sinvesco và CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM - CII) làm chủ đầu tư, tổng số vốn để xây dựng hạ tầng CCN dự kiến lên đến hơn 500 tỉ đồng.

Theo Công ty cổ phần Hòa Phú, CCN sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ ngành ô tô trong nước như sản xuất các phụ tùng, linh kiện ô tô, sửa chữa, lắp ráp phương tiện vận chuyển, cũng như thiết kế và chế tạo phương tiện cơ khí… Bên cạnh đó, chủ đầu tư CCN cũng đóng vai trò kết nối, chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô của một số nước tiên tiến trên thế giới với các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước, cung cấp thông tin thị trường, đầu ra cho các DN sản xuất ô tô trong nước...

Ngoài ra, việc xây dựng CCN này được thành phố và công ty thực hiện nhằm đón đầu sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, đây còn là chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô của đất nước và chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TPHCM.

Cũng theo chủ đầu tư thì lợi thế của CCN này là hệ thống đường giao thông hết sức thuận lợi do nằm kề cận tỉnh lộ 8 đi các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai bảo đảm rất tốt cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Như vậy, với sự góp mặt của CCN này thì TPHCM hiện có 22 CCN  đang hoạt động với tổng diện tích gần 1.600ha. Trong đó, thời hạn thuê sử dụng đất mà các CCN này là 50 năm.

Hầu hết các CCN nằm ở ngoại thành và chủ yếu tập trung ở các quận, huyện phía tây của Thành phố. Trong đó, Củ Chi và Hóc Môn được xem là hai huyện phù hợp cho các dự án CCN, KCN do quỹ đất còn tương đối lớn. Song điều đáng nói ở đây, nhiều CCN tại Củ Chi mới chỉ được lấp chưa đầy 50%, còn lại vẫn đang phải “dài cổ” chờ khách thuê.

Đối tác ngoại chưa xuất hiện

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến thời điểm này, ngoài cổ đông Samco mới xây dựng khoảng 10 ha để làm nhà xưởng do công ty này đang có kế hoạch sản xuất, lắp ráp sản phẩm xe buýt chuyên dùng. Còn có hai đối tác là doanh nghiệp Việt Nam khác hiện đang đặt xưởng sản xuất tại đây để sản xuất xe ô tô chuyên dùng và các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô còn lại nhiều diện tích khác vẫn còn trống và đang trong giai đoạn tìm kiếm khách thuê.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Phó Giám đốc Marketing Samco cho biết, hiện công ty có 40% cổ phần tại CCN này.

Cũng theo ông Điền thì tháng 10/2014 Samco và đối tác Nhật Bản đã động thổ nhà máy sản xuất dòng xe thương mại tại đây, tháng 10/2015 nhà máy chính thức đi vào hoạt động và định hướng một năm nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 800 xe ô tô cung cấp cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất các dòng xe khác để đẩy sản lượng sản xuất tại đây lên từ đó các doanh nghiệp ngành ô tô của nước ngoài sẽ thấy CCN này có tiềm năng cao và đầu tư vào để phát triển.

Hiện CCN mới có một số nhà máy đi vào hoạt động. nhưng các đơn vị này đều là doanh nghiệp Việt Nam và một đối tác Nhật Bản của Samco chứ chưa có công ty nước ngoài nào vào đây đầy tư.

Cũng theo vị đại diện Samco, thị trường ô tô Việt Nam thời điểm này đang phát triển rất tốt cho nên Samco đánh giá rất cao tương lai phát triển của CCN này và nhận định tới năm 2020 ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng vững, khả năng khi đó CCN này sẽ được lấp kín nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Samco sẽ mở rộng nhà máy hiện hữu, chiếm 1/3 tới một nửa diện tích CCN.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, chiến lược ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định đây là ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, được tập trung ưu tiên phát triển trong suốt thời gian qua nhưng cho đến nay, dường như chiến lược này đang vấp phải quá nhiều khó khăn bởi không xuất phát trên những nền tảng sẵn có.

Với nhiều ưu đãi đưa ra, hàng loạt hãng ô tô đã được cấp phép thành lập liên doanh tại Việt Nam như Mazda, GM Daewoo, Toyota, Honda, Isuzu, Ford, Mercedes-Benz, Mitsubishi và Suzuki… nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô tiên tiến tại Việt Nam. Nếu theo đúng các cam kết, chỉ sau chưa đầy 20 năm, Việt Nam sẽ làm được những chiếc ô tô có tỉ lệ nội địa hóa cao. Nhưng thực tế, đến nay, mục tiêu  này vẫn còn quá xa vời và các “đại gia” ô tô nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu linh kiện để lắp ráp xe bán tại thị trường nội địa là chính.

Anh Minh

Top