Đại biểu HĐND TPHCM thảo luận các tờ trình của UBND TP

11/12/2014 11:00 AM

(HCM CityWeb) – Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của kỳ họp lần thứ 16, chiều 10-12, đại biểu HĐND TPHCM đã thảo luận tại hội trường về nội dung các tờ trình của UBND TP trình HĐND TP tại phiên khai mạc kỳ họp.

 

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về tờ trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đất Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, quận 1, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết, trong quy hoạch chi tiết trung tâm mà HĐND TP thông qua, có nội dung liên quan khu tứ giác thuộc dự án. Nghĩa là việc xây dựng khu phức hợp hiện đại theo đúng các chỉ tiêu quy hoạch mà HĐND TP đã thông qua.
Từ đó đến nay, UBND TP đã làm các công việc chuẩn bị để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó có việc lựa chọn các nhà đầu tư; đến nay, chính thức chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia dự án. Chủ trương của TP là tổ chức đấu thầu công khai, chứ không chỉ định giao cho một nhà đầu tư nào cụ thể.
Theo luật định, đây là loại dự án phải báo cáo HĐND TP để xin chủ trương cho phép mới được tiến hành các bước. Tờ trình ra HĐND TP tại kỳ họp này mới chỉ xin phép về chủ trương. Nếu được HĐND TP chấp thuận thông qua, UBND TP sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng tiêu chí kêu gọi đầu tư công khai, nhà đầu tư nào đạt tiêu chí đó thì sẽ được chọn, ông Tín nói.
Về lợi ích của dự án đối với người dân, ông Tín cho biết theo chủ trương, khu đất sẽ được xây dựng thành khu phức hợp thương mại, khách sạn. Để tính toán được cụ thể các lợi ích kinh tế, xã hội, cũng như hiệu quả của dự án một cách chính xác thì phải lựa chọn nhà đầu tư rồi sẽ giao nhà đầu tư nghiên cứu dự án.
Theo tờ trình của UBND TP, khu đất Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp có tổng diện tích sử dụng 5.160,3m2, hiện là khu nhà ở tư nhân kết hợp thương mại dịch vụ nhỏ lẻ, có 129 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo quy hoạch được duyệt, khu đất được quy hoạch là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và khách sạn cao cấp; chiều cao 30m (8 tầng), mật độ xây dựng 80%, hệ số xây dựng 6. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 70 triệu đô-la Mỹ.
 
Băn khoăn Đề án thu phí xe gắn máy
Về tờ trình Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TPHCM, nhiều đại biểu HĐND TP bày tỏ sự băn khoăn về phương pháp thu, tính khả thi và chế tài đối với những người không nộp khoản phí này, nếu làm không khéo thì dẫn đến sự mất niềm tin, người dân đã khó khăn mà giờ thu thêm phí nữa thì khó lại càng khó hơn. Một số ý kiến cho rằng tạm thời chưa thông qua để xem xét lại tính khả thi và nếu bất khả thi thì kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định này.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng người dân có trách nhiệm cùng nhà nước duy tu, bảo dưỡng đường xá, tuy nhiên cách thu và mức thu thế nào cần được bàn bạc kỹ trước khi quyết định. Đối với người nghèo đô thị thì phương tiện đi lại là xe máy. Nếu giờ thu phí này thì vẫn thấy không đành lòng bởi có khi xe máy là phương tiện sinh nhai của nhiều gia đình.
“Đây là một nghị quyết rất khó khăn đối với HĐND TP bởi luật đã ra rồi không thể không làm. Tôi thật sự rất băn khoăn nếu giao cho xã phường thu vì có thể mỗi nơi thu mỗi kiểu. Tôi đề nghị UBND TP tiếp tục nghiên cứu để giải trình, có thể có phương án chậm lại, nói rõ ai thu, cán bộ nào thu, có hướng dẫn đồng bộ để dễ quản lý bởi khi HĐND TP ra nghị quyết thì phải có trách nhiệm giám sát nghị quyết được HĐND TP thông qua, lúc đó không đổ cho ai được, nếu thông qua mà không cần biết việc thực thi thế nào thì chúng ta làm chưa hết trách nhiệm”, bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND TP cũng nêu ra bốn vấn đề để UBND TP giải quyết nếu tờ trình được thông qua. Thứ nhất, do không có chế tài nên UB sẽ làm cách nào để đảo bảo công bằng giữa người nộp và người không nộp?
Thứ hai, vấn đề đảm bảo an toàn khi đi thu, ai đi thu và làm sao để đảm bảo an toàn nguồn quỹ thu về; và trong trường hợp bị cướp giật, tai nạn thì xử lý như thế nào, phương tiện cho người đi thu sẽ được giải quyết ra sao?
Thứ ba, hiện nay phường - xã đã quá tải công việc, nếu giao nhiệm vụ thu tiền cho phường xã thì sẽ giải quyết như thế nào trong điều kiện lượng xe máy tại TPHCM rất lớn?
Số tiền được giữ lại để chi trả theo nghị định là 10%, tuy không lớn nhưng TPHCM có số lượng xe rất lớn, trong khi các nhiệm vụ chính trị khác có mức hỗ trợ rất thấp. Như vậy sẽ phân chia ai đi làm, và liệu có làm nảy sinh sự so sánh giữa hỗ trợ của nhiệm vụ thu phí này với các nhiệm vụ chính trị khác?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng bản thân ông thấy những góp ý của đại biểu là hoàn toàn xác đáng, UBND TP ghi nhận nhưng không thể không làm vì theo quy định, việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ và thu phí đã có kế hoạch từ năm 2012 nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa thực hiện. UBND TP đã rất cân nhắc nên trong hai năm 2012 và 2013 đã không trình ra trước HĐND TP, nhưng tới năm nay thì phải trình.
Theo tờ trình của UBND TP, dự kiến bắt đầu từ ngày 01-01-2015, các loại xe máy trên địa bàn TPHCM sẽ phải nộp phí sử dụng dịch vụ đường bộ với số tiền từ 50.000 đến 150.000 đồng/xe/năm tùy theo dung tích máy.
 
Minh Thư
 
Top