Đại học Ngân hàng TPHCM: Tăng thực tiễn, giảm lý thuyết ở trên lớp

19/01/2019 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - Theo cơ cấu chương trình mới của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, phần giảng dạy trên lớp có thể chỉ chiếm 1/3 tổng thời lượng giảng dạy bắt buộc.

Ngày 18/1, theo thông tin từ phiên họp thường niên lần thứ nhất của Dự án JEUL trong khuôn khổ Chương trình Erasmus “Nâng cao năng lực của các tổ chức giáo dục thông qua các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp” do Ủy ban Châu Âu (EU) tài trợ, Đại học Ngân hàng TPHCM đã hoàn tất việc xây dựng 2 chương trình đào tạo kiểu mới theo chuẩn châu Á. Trong đó, có chương trình đào tạo bậc thạc sĩ.

Dự án khởi động từ tháng 10 năm 2017 và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2020, với tổng giá trị gần một triệu euro, dành cho 9 trường Đại học trên toàn thế giới, trong đó có ĐH Ngân hàng TPHCM.

 “Mục tiêu đầu tiên của Dự án là hỗ trợ thay đổi quan điểm của các nhà giáo dục về việc làm thế nào để đào tạo ‘đầu ra’ là những lao động làm việc hiệu quả và phù hợp với thực tế xã hội”, PGS. TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM cho hay.

Ví dụ, giảng viên theo “kiểu cũ” phải lên lớp đủ thời lượng quy định. Còn theo cơ cấu chương trình mới, phần giảng dạy trên lớp có thể chỉ chiếm 1/3 tổng thời lượng giảng dạy bắt buộc. Số còn lại giảng viên có thể chứng minh với nhà trường về việc có trao đổi, giảng dạy qua e-learning, hỗ trợ người học thực hành tại doanh nghiệp, hướng dẫn người học làm tiểu luận…

Cụ thể, tại chương trình đào tạo thạc sĩ, số môn học đã được giảm xuống. Tuy nhiên, ở mỗi môn, người học phải trải qua nhiều hình thức học tập đa dạng hơn. Nội dung giảng dạy trên lớp cũng giảm đi, thay vào đó là những quy định về phần phải tiếp nhận qua e-learning, qua tự học ở nhà, qua thực hành ở doanh nghiệp…

Về đánh giá, phần làm bài tập nhóm, bài tập lớn và bài thi cuối cùng sẽ lần lượt có tỷ trọng điểm số là 30%-30%-40%.

“Cách thức giảng dạy và học tập này đòi hỏi người dạy phải liên tục ‘nâng tầm’ để bắt kịp thực tế kinh doanh, để có thể giải thích tường tận cho người học sự vênh nhau giữa lý thuyết và thực tiễn trong từng trường hợp cụ thể”, vị Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM khẳng định thêm.

Dự án do đó cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng lại đề cương giảng dạy, thay đổi cách thức kiểm định chất lượng đào tạo, đánh giá đầu ra của sinh viên, thay đổi hệ thống thi cử phù hợp với quan điểm giáo dục mới…

Được biết, đã có ngân hàng đầu tiên, tiên phong cùng Đại học Ngân hàng TPHCM tạo lập “thao trường” để đào tạo theo “kiểu mới” ngay từ tháng 4 năm nay.

Phương Hiền

Top