Dấu ấn ‘Ba mươi năm ấy chân không nghỉ’ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

05/06/2021 4:36 PM

(Chinhphu.vn) - Rời Tổ quốc từ bến cảng Nhà Rồng năm 1911, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, Bác Hồ về tới Cao Bằng. Đây là quá trình hợp lại và nối liền 3 giai đoạn bản lề rất quan trọng của cả một hành trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Hiểu thêm về lựa chọn lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh

Bác Hồ về nước (28/1/1941). Tranh của họa sĩ Trịnh Phòng

Cảm nhận sự trở về Tổ quốc trong hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ / Mà đến bây giờ mới tới nơi!” (Theo chân Bác).

Thực tế 30 năm tìm đường cứu nước ấy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (từ ngày 5/6/1911 ra đi từ bến cảng Sài Gòn, đến ngày 28/1/1941 về tới biên giới Cao Bằng) là quá trình hợp lại và nối liền 3 giai đoạn bản lề rất quan trọng, logic và định vị cả một hành trình phát triển dài lâu của cách mạng Việt Nam.

Tìm và đến với chủ nghĩa Marx-Lenin

Trong khoảng 10 năm đầu kể từ khi xuất dương để “xem nước Pháp và các nước khác”, tuy trải qua hầu hết các đại dương, các châu lục với hàng chục quốc gia, nhưng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc không hề “lạc lối trời Âu”, cũng không viết những “câu thơ dậy sóng”, mà chỉ lao động kiếm sống và đi “Hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi / Những đất tự do, những trời nô lệ” (Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước).

Người dừng chân lâu hơn ở Mỹ, Anh, Pháp - những nơi có các cuộc cách mạng đã thành công và nhận thấy: “Á, Âu đâu cũng lòng trong đục / Vàng máu chia hai cảnh khổ giàu” (Tố Hữu, Theo chân Bác). Khi hóa thân vào thế giới cần lao, Nguyễn Ái Quốc nhận ra một thực tế chung: Ở đâu chủ nghĩa thực dân đế quốc cũng tàn bạo - chúng là kẻ thù chung của giai cấp công nhân, nhân dân lao động; ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức cực khổ và họ có thể làm bạn với nhau không phân biệt màu da.

Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ năm 1917, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp để hướng cuộc tìm kiếm về phía Cách mạng tháng Mười.

Điều khác biệt với những người yêu nước trước đó và đương thời tìm kiếm con đường cứu nước là Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đảng Xã hội Pháp và những sinh hoạt chính trị sôi động của nước Pháp trong cuộc vận động cộng sản lan khắp châu Âu sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Vì thế đã tiếp cận được Luận cương của Lenin đăng trên báo Nhân đạo, lần đầu tiên thấy có luận điểm về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng, vui mừng”. Từ đó Người tin tưởng vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Lenin và Cách mạng tháng Mười, tích cực nghiên cứu khảo sát để vận dụng sáng tạo những nội dung và phương pháp của cuộc cách mạng này vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam.

Chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đảng cách mạng

Hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III theo cách của một người đang khát khao tìm kiếm và đã đến được với chân lí, Nguyễn Ái Quốc đã có câu trả lời rõ ràng "trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”; từ đó việc truyền bá con đường giải phóng dân tộc theo Cách mạng tháng Mười về thuộc địa là tất yếu.

Vượt qua được hạn chế của các sĩ phu cấp tiến trong việc nhận thức đầy đủ bản chất của Cách mạng tháng Mười Nga, hiểu thấu được cuộc cách mạng của những người lao khổ, có cơ sở tin theo cuộc cách mạng vĩ đại ấy, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”. Đi theo con đường cách mạng ấy, điều tiên quyết nhất và cốt lõi nhất, như Đường Kách mệnh đã chỉ dẫn: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

Trong 10 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức, vừa huấn luyện thế hệ thanh niên yêu nước làm nhiệm vụ truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Việt Nam.

Kết quả là tư tưởng cộng sản và ảnh hưởng của cách mạng vô sản vượt qua sự ngăn chặn của chính quyền thực dân để du nhập về thuộc địa; phong trào dân tộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ chống áp bức, chống khủng bố trắng ngày một dâng cao; ngay trong nước hình thành những tổ chức cộng sản lãnh đạo quần chúng công nông. Đến đầu năm 1930, khi điều kiện cần và đủ cho sự ra đời một chính đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, không chỉ giải quyết rốt ráo cuộc khoảng hoảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin và con đường Cách mạng tháng Mười vào thực tiễn Việt Nam đã tạo thành điều kiện mới, nhân tố mới, quá trình phát triển mới cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Thiết lập mối quan hệ với Quốc tế cộng sản, kiên định giữ vững đường lối cách mạng

Trên con đường “trở về giúp đồng bào chúng ta”, nhất là từ khi có một Đảng cộng sản để “dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn và thử thách với 3 giai đoạn nhỏ: Bị giam cầm trong nhà tù thực dân đế quốc ở Hong Kong (6/1931-1933), làm việc với Quốc tế cộng sản ở Liên Xô (1934-1938), hoạt động ở Trung Quốc chuẩn bị cho việc về nước (10/1938-1/1941).

Vượt qua thử thách khốc liệt trong lao tù, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải trải qua cuộc đấu tranh với ý chí, nghị lực phi thường và sự kiên định để giữ vững lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc. Điều quan trọng nhất đối với Người lúc này vẫn là phong trào cách mạng ở thuộc địa, trong đó có Đông Dương và mối quan hệ giữa Quốc tế cộng sản và các Đảng cộng sản, giữa chính quốc và thuộc địa, giữa các Đảng cộng sản các nước.

Người đã nỗ lực gửi nhiều báo cáo, thư, đề nghị với Quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp để thiết lập cho được mối liên hệ thiết yếu ấy, đồng thời tranh thủ thời gian và điều kiện ở nước ngoài để nắm rõ tình hình, xu hướng phát triển cách mạng thế giới và khu vực, tích cực bắt liên lạc với trong nước, viết nhiều thư từ Trung Quốc gửi về nước đăng trên báo Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta - tờ báo công khai của Đảng, xuất bản ở Hà Nội). Nhờ vậy, ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng Đảng bước vào việc hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, mở ra lộ trình chuẩn bị trực tiếp cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân theo tinh thần "đem sức mà tự giải phóng cho ta".

Bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ - Nhà xuất bản Trẻ

Đồng chí Lê Duẩn viết: “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Marx-Lenin”.

Hành trình với 3 giai đoạn bản lề của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trước hết để tìm con đường cứu nước, sau đó là sự lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời đại mới. Kết quả là Người đã định hướng và định ra nhiệm vụ lịch sử cho dân tộc, đồng thời xây dựng cho dân tộc một đảng tiên phong bảo đảm cho quá trình thực hiện nhiệm vụ lịch sử ấy thành công.

Hà Minh Hồng

Top