Đâu là sản phẩm chủ lực của du lịch TPHCM?

12/01/2018 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - “ Sản phẩm chủ lực của du lịch của thành phố là gì ? Tôi thấy trong báo cáo của Sở du lịch TPHCM chưa rõ lắm. Không xác định được sản phẩm chủ lực thì sẽ bị khó trong khâu xúc tiến và xác định thị trường” - Tổng Giám đốc công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành du lịch TPHCM tại hội nghị tổng kết ngành du lịch thành phố năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, chiều 11/1.

Vấn đề lớn nhất không chỉ ở TPHCM mà của cả nước là tập trung chủ yếu vào các sản phẩm du lịch từ 7 giờ sáng - 17 giờ chiều, trong khi thực chất nguồn thu lại từ 18 giờ tối – 2 giờ sáng.

Mục tiêu đón 7,5 triệu khách quốc tế

Đánh giá kết quả ngành trong năm vừa qua, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lã Quốc Khánh cho rằng, đây là một năm thành công của du lịch thành phố khi đón hơn 6,38 triệu lượt du khách quốc tế, 24,9 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 115,97 nghìn tỉ đồng.

Cũng theo ông Khánh, năm 2017 ghi nhận nhiều nét son của ngành du lịch thành phố với công tác xã hội hoá nhiều sự kiện, chương trình được triển khai rất tốt, nỗ lực đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng đem lại chuyển biết tích cực...

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cũng nhìn nhận vẫn còn rất nhiều hạn chế chưa thể khắc phục trong năm qua như tình trạng hướng dẫn viên thiếu và yếu chuyên môn, vấn đề hậu kiểm các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành nội địa, vẫn còn xảy ra các vụ cướp giật tài sản của du khách, nạn chèo kéo chưa thể giải quyết được triệt để.

Bước sang năm 2018, ngành du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hình ảnh điểm đến của thành phố “hấp dẫn - thân thiện - an toàn” để tạo ra đột phá, tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm 2017.

Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế, 29 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch phấn đấu đạt khoảng 138.000 tỉ đồng (tăng 16,9% so với năm 2017).

Xác định lại sản phẩm chủ lực và thị trường trọng tâm

Theo Tổng Giám đốc công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, TPHCM cần phải xác định lại sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là gì: “Đánh giá một cách công bằng thì cần có quy hoạch lại sản phẩm du lịch của thành phố. Sản phẩm chủ lực của du lịch của thành phố là gì? Tôi thấy trong báo cáo của Sở du lịch TPHCM chưa rõ lắm. Không xác định được sản phẩm chủ lực thì sẽ bị khó trong khâu xúc tiến và xác định thị trường”.

Bên cạnh đó, ông Kỳ đề xuất thành phố nên quy hoạch lại, đưa du lịch vào sâu hơn trong cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm du lịch.

“Vấn đề lớn nhất không chỉ ở TPHCM mà của cả nước là chúng ta đang tập trung chủ yếu vào các sản phẩm từ 7 giờ sáng - 17 giờ chiều, trong khi thực chất nguồn thu lại từ 18 giờ tối – 2 giờ sáng. Phần thu từ các hệ thống bảo tàng, điểm tham quan, vui chơi giải trí chỉ chiếm 30%, chúng ta đang bỏ lửng sản phẩm buổi tối và đêm”, ông Kỳ nhận định.

Tổng Giám đốc Vietravel đặt thêm vấn đề, tại sao TPHCM là trung tâm thương mại, kinh tế lớn nhất cả nước mà lại không phải là “thành phố mua sắm”, tại sao không phát triển sản phẩm đến thành phố để mua sắm?

Về vấn đề xúc tiến, theo ông Kỳ, Sở du lịch TPHCM dường như xác định thiếu thị trường trọng điểm là thị trường nội địa: “Rất nhiều kế hoạch xúc tiến ở nước ngoài nhưng lại bỏ quên chỉ tiêu đánh giá về khách nội địa. Phải xác định được 3 thị trường nội địa chính là: miền Bắc, miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Đây là đối tượng khách giúp thành phố quy hoạch xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm”.

Đồng thời, ông Kỳ đề xuất Sở cần sắp xếp lại thị trường ưu tiên: Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN (chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia). “Từ năm 2018 - 2020 dự báo sẽ có một cơn đổ bộ của khách Trung Quốc vào TPHCM, chúng ta đã chuẩn bị về hướng dẫn viên, nhà hàng… chưa hay chúng ta lại trở tay không kịp”.

Việc chia thị trường trong nước và nước ngoài cho phép thành phố xúc tiến hợp lý hơn. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng chưa quan tâm đích đáng đến xúc tiến bằng công nghệ số, vừa giảm được chi phí mà hiệu quả lại rất nhanh và mạnh.

Đề cập đến vấn đề tái cấu trúc ngành du lịch, ông Kỳ cho rằng muốn ngành du lịch phát triển phải chú trọng đầu tiên vào lữ hành. Phải sắp xếp lại hệ thống từ bán sỉ đến đại lý, lực lượng đi khai thác thị trường rất dễ “loạn”, phải xem xét năng lực để cho phép doanh nghiệp khai thác thị trường nào.

Ứng xử của người dân là sản phẩm du lịch quan trọng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá, năm 2017 ngành du lịch thành phố tăng trưởng phấn khởi, nhưng để tăng thêm 1,2 triệu khách quốc tế chỉ sau một năm thì đó là một thách thức lớn.

Thành phố đang tiến hành thuê tư vấn nước ngoài để chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển du lịch. Ngoài ra, thành phố sẵn sàng đầu tư mời chuyên gia hàng đầu thế giới tới mở lớp đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch.

Để tạo điều kiện phát triển du lịch, UBND thành phố đồng thời khẳng định sẽ quy hoạch đầu tư lại các cơ sở vật chất phục vụ du lịch, triển khai một cách nhanh nhất các cầu cảng, phương tiện để đưa đón khách.

Ông Tuyến nhấn mạnh phải mở rộng hoạt động du lịch tới từng nhà, từng người dân chứ không đơn thuần chỉ là doanh nghiệp. Phải đánh giá đúng hành vi ứng xử của người dân cũng là một sản phẩm du lịch, đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra hình ảnh thành phố thân thiện, an toàn, thu hút khách đến và quay trở lại.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Du lịch nghiên cứu triển khai  phát triển các sự kiện văn hoá xã hội của thành phố trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Đặc biệt, ngay trong quý 1/2018, thành phố sẽ kết nối với hãng hàng không Vietnam Airlines, các trung tâm mua sắm, các đơn vị lưu trú… hạ giá đồng loạt để triển khai sự kiện mua sắm lớn thu hút khách du lịch. Đây được coi là một trong những sự kiện trọng điểm để tạo cú hích cho du lịch thành phố trong năm 2018.

Linh San

Top