Đầu tư 128 tỷ đồng cho 2 tuyến vận tải thủy

21/07/2015 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM chính thức phê duyệt dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO).

Một đoạn kênh Tàu Hũ - Bến Nghé nằm trong lộ trình tuyến vận tải hành khách công cộng
bằng đường thủy của TPHCM. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Dự án được triển khai trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ, đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Tuyến số 1 có lý trình Bạch Đằng - Linh Đông, dài 10,8 km; từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Tuyến số 1 sẽ có 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2 và Thủ Đức.

Trong khi đó, hướng tuyến số 2 có lý trình Bạch Đằng - Lò Gốm, dài 10,3 km; từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6) và ngược lại. Tuyến sẽ có 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn quận 1, 4, 5, 6 và quận 8.

Dự án cũng sẽ xây dựng Bến Trung tâm tại quận Thủ Đức và các bến đón trả hành khách trên tuyến.

Khu bến Trung tâm tại địa chỉ T.21, khu phố 3, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Tại đây sẽ có các hạng mục công trình chính như bến đón trả khách, khu vận hành bảo dưỡng phương tiện, neo đậu tập kết phương tiện về đêm, khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.

Bến đầu cuối sẽ được xây dựng trên diện tích 50m2/bến, có các kiốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh tại Linh Đông và Lò Gốm, một số vị trí đậu đỗ tàu phục vụ vận hành trên tuyến. Các bến đón trả khách khác cũng có diện tích và các hạng mục tương tự như bến đầu cuối; riêng bến Bạch Đằng, nhà đầu tư sẽ sử dụng bến do thành phố quy hoạch và xây dựng tại khu Bạch Đằng để làm bến đón trả khách.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến. Dự án được thực hiện trong năm 2015 và 2016; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 128 tỷ đồng.

Theo UBND TPHCM, mục tiêu của dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố bằng đường thủy trong khu vực đô thị; góp phần hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển hoạt động du lịch đường thủy; phát triển phương thức vận chuyển hành khách mới bằng đường thủy trên địa bàn; góp phần giảm thiểu thời gian lưu thông và ô nhiễm khí thải trong nội đô.

Nam Đàn

Top