Dạy học trực tuyến làm sao cho hiệu quả?

29/04/2020 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã yêu cầu các trường chủ động triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, việc dạy trực tuyến hiệu quả tới đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Học sinh TPHCM bắt đầu trở lại trường từ 4/5 Học sinh Việt Nam in 3D phụ kiện khẩu trang, học

Để có được một video clip phát trực tuyến, giáo viên cần đầu tư nhiều công sức và phải làm việc theo ê kíp. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Một tiết trực tuyến bằng năm tiết thường

Từ nhiều tuần nay, ngày nào cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Lữ Gia (quận 11, TPHCM) cùng các đồng nghiệp cũng đến trường để làm video clip phát trên trang fanpage phục vụ học sinh. Mỗi tuần, gần 50 clip cho tất cả các môn do chính các thầy cô tự thực hiện được đăng tải trên facebook của trường, giúp học sinh nắm kiến thức cơ bản.

“Một giáo viên dạy trên bục thì bên dưới phải có mấy người hỗ trợ, góp ý sao cho đỡ mất thời gian và đạt hiệu quả tốt nhất. Học sinh xem xong thắc mắc gì trao đổi với giáo viên qua thư điện tử. Sau thời gian thử nghiệm, nhà trường đã chọn ra một số giáo viên tiêu biểu tổ chức dạy livestream. Hiện tại yêu cầu đặt ra cao hơn, đòi hỏi người dạy phải đầu tư nhiều hơn và cần có sự thông thạo về mặt kỹ thuật để tương tác, hỗ trợ học sinh”, cô Thu cho hay.

Giáo viên bậc THPT, THCS đang có lợi thế hơn bậc tiểu học vì học sinh càng lớn tuổi mức độ tập trung, nắm kiến thức sẽ cao hơn. Việc triển khai dạy trực tuyến cho học sinh bậc tiểu học hiện đang đặt ra nhiều thách thức với không ít thầy cô. Theo đó yêu cầu của Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM các trường phải xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn học: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ (khối lớp 1, 2, 3). Riêng khối lớp 4, 5 có thêm môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý.

Thoạt đầu nghe khá nhẹ nhàng nhưng bước vào mới thấy… quá nhiều vấn đề phát sinh. Chị Nguyễn Thị Hồng, một giáo viên dạy tiểu học tại quận 2 tâm tư: “Tôi hầu như phải ôm máy tính từ sáng đến khuya, mệt mỏi vô cùng. Dạy cùng lúc nhiều khối lớp, và toàn học sinh nhỏ tuổi, tôi phải liên hệ với phụ huynh để kết nối theo lịch hẹn. Mỗi ngày tuy chỉ livestream tầm 30-45 phút hướng dẫn, giải thích các nội dung cần thiết cho một lớp nhưng khối lượng công việc vẫn rất nhiều. Rồi giao và sửa bài tập, soạn giáo án cho hôm sau, mới một thời gian ngắn mà tôi muốn kiệt sức. Thế nhưng vẫn chưa biết học sinh có nắm hết bài không, các con có hứng thú như học trên lớp không? Đúng là một tiết trực tuyến bằng năm tiết thường ấy, giáo viên mà không rành về phần mềm, kỹ thuật thì còn loay hoay nữa”.

Việc thành thạo nhiều phần mềm hiện đại sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình dạy trực tuyến của giáo viên. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Để dạy trực tuyến không phải là giải pháp tình thế trong mùa dịch

Muốn dạy trực tuyến hiệu quả, theo ThS. Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM), các sở ngành liên quan và bản thân mỗi giáo viên cần có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc trong tất cả các khâu. Vấn đề nằm ở chất lượng giảng dạy chứ không phải đưa giáo dục trực tuyến ra làm giải pháp tình thế trong mùa dịch. Quan trọng nhất là trước khi tham gia học trực tuyến, học sinh phải được phổ biến tất cả thao tác, phương pháp cũng như mục đích buổi học.

“Nếu giáo viên dạy trực tuyến theo các bước lên lớp giống như phương pháp dạy học truyền thống hoặc tái hiện kiến thức một cách máy móc qua hình thức quay video clip bài giảng thì sẽ không phát huy hiệu quả. Các thầy cô cần đầu tư những cách dẫn dắt thu hút, mới lạ, kết hợp dạy kiến thức với tổ chức hoạt động nhằm hấp dẫn học sinh mà vẫn đáp ứng mục tiêu bài học”, ông Điệp phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Luân, Giám đốc điều hành ALU Academy cho rằng muốn làm chủ lớp học theo hình thức mới, trước tiên giáo viên phải sử dụng hiệu quả bộ công cụ trực tuyến và chọn được nền tảng phù hợp với công tác giảng dạy cũng như tương tác: “giáo viên bắt buộc phải chuẩn bị bài giảng thật chu đáo. Lớp học không nên quá đông, độ tuổi nhỏ cần có phụ huynh học cùng con và quan trọng là giáo viên phải khiến trẻ cảm thấy hứng thú trong suốt quá trình học. Người dạy phải nắm tâm lý người học và biến hóa kiến thức, kỹ năng thành nhu cầu của các con chứ không phải cứ dạy cho xong”.

Từ thực tế trải nghiệm trong thời gian qua, theo cô Thu, muốn dạy trực tuyến hiệu quả đòi hỏi những phần mềm hỗ trợ thiết thực, học có điểm danh chứ không phải quay clip rồi đưa lên mạng là hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó giáo viên cũng cần biết cách thiết kế tiết dạy sao cho không quá dài, nhiều điểm tập trung để thu hút sự chú ý của học sinh. Học trực tuyến hiện vẫn là giải pháp ứng phó tạm thời trong mùa dịch, vậy nên cần cách làm chuyên nghiệp hơn nếu muốn đi đường dài. Khi đẩy mạnh được hình thức dạy học tiên tiến này, bản thân mỗi giáo viên sẽ phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thời đại mới, nếu không coi như tự “sa thải” mình trong hệ thống giáo dục. Nếu các trường triển khai dạy trực tuyến bài bản, có đầu tư, người hưởng lợi nhiều nhất là học sinh vì lúc đó những phần dư thừa được cắt gọt, kiến thức trong tậm được đảm bảo và bổ sung thêm nhiều nội dung mới thông qua các ứng dụng hiện đại.

UBND TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn việc đi học trở lại theo lộ trình dự kiến cho từng khối lớp, bậc học.

Theo đó, từ đầu tháng 5 tới, học sinh khối 9 và 12 sẽ đi học trở lại, trong thời gian này, học sinh những khối khác vẫn học trực tuyến, học qua truyền hình theo quy định. Hiện các trường đang khẩn trương chuẩn bị nhiều khâu để đảm bảo cao nhất an toàn cho người học theo bộ tiêu chí đánh giá mà Sở Giáo dục và đào tạo yêu cầu./.

Gia Mỹ

Top