Đẩy mạnh hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực

18/04/2019 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/4, Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp diễn ra tại TPHCM do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đồng chủ trì.

Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp diễn ra tại TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM có nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ DN tạo hiệu ứng lan tỏa và có tác dụng mạnh đến hoạt động DN.

Chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, được triển khai từ năm 2013 đến nay với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường trên thị trường. Theo đó, trên địa bàn TPHCM, tính đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho 36.241 khách hàng, với tổng số tiền đạt hơn 158.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai trên 24 quận, huyện của Thành phố theo nhiều hình thức. Riêng năm 2018, các tổ chức tín dụng đã cho 10.593 khách hàng vay với số tiền 285.544 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm.

Năm 2019, có 15 ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng ký gói tín dụng gần 270.000 tỷ đồng. Đến hết quý I/2019 đã giải ngân hơn 9.100 tỷ đồng cho gần 1.100 khách hàng vay.

Kết quả triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã góp phần giúp TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 346.248 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 8,3%.

Cần hỗ trợ cho sản phẩm chủ lực

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, giai đoạn 2018-2020 có thành phố 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là các sản phẩm công nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí – điện tử, hóa dược – cao su- nhựa, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may.

Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương và các sở, ban ngành nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ, từ đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu... trong đó cơ chế về vốn vay (các chính sách ưu đãi, kích cầu đầu tư) là một trong những giải pháp quan trọng.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho rằng, sản phẩm chủ lực của DN Thành phố là những sản phẩm có thương hiệu lâu đời, đã được khẳng định và tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước. Những sản phẩm chủ lực này cần được quan tâm trong các hoạt động tín dụng. Thành phố cần tạo cơ chế chính sách để các DN được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi, qua đó, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho DN, góp phần chung vào sự phát triển của Thành phố.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV TPHCM, các ngân hàng cần có thêm các gói tín dụng trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu đầu tư lâu dài của DN, đặc biệt là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, các Ngân hàng đẩy mạnh tư vấn cho DN góp phần minh bạch hóa tài chính, từ đó nâng cao vốn vay tín chấp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC), TS. Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp CNC TPHCM đề xuất các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần triển khai các gói vay thông qua các hợp đồng cung ứng của DN; tập huấn các chính sách tín dụng cho các DN, hộ kinh doanh trong nông nghiệp CNC, qua đó, giúp nắm rõ các chính sách và trình tự thủ tục vay.

Cũng tại hội nghị, nhiều DN có các sản phẩm chủ lực thuộc danh mục của Thành phố cũng cho biết, lãi suất vay ngắn hạn tại một số ngân hàng hiện còn ở mức cao (có trường hợp lên tới gần 9%); trong khi đó, tài sản là đất thuê trong khu công nghiệp nhiều năm, rất có giá trị nhưng không được tính là tài sản thế chấp.

16 tổ chức tín dụng ký cam kết dành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản phâm chủ lực lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Ảnh: VGP/Lê Anh

Nhiều gói tín dụng dành cho DN có sản phẩm chủ lực

Là ngân hàng lớn, có mạng lưới rộng lớn trên khắp các quận, huyện của TPHCM, thời gian qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) luôn tích cực, tiên phong trong các gói tín dụng hỗ trợ DN của Thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettinbank cho biết, Vietinbank đã có nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù hướng tới DN phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM. Trong đó, có thể kể tới sản phẩm cấp tín dụng chuỗi điển hình đã được triển khai thành công như: Chuỗi ngành dược; chuỗi cho DN cung cấp thiết bị xây dựng, dây cáp điện; chuỗi thực phẩm đồ uống…

Bên cạnh đó, để nguồn vốn được tiếp cận tới DN nhanh chóng, hiệu quả, Vietinbank luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng UBND TPHCM và NHNN chi nhánh Thành phố triển khai nhanh chóng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: Chương trình cho vay kích cầu đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho các DN công nghiệp hỗ trợ, DN nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TPHCM cho biết, riêng đối với chương trình cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, chi nhánh TPHCM tiếp tục dành tối thiểu 40% nguồn vốn tín dụng để giải ngân vào các lĩnh vực cho vay DN làm hàng xuất khẩu, cho vay vốn đối với DNNVV và thực hiện cho vay hỗ trợ nhóm ngành công nghiêp hỗ trợ.

Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, trong năm 2019, NHNN chi nhánh Thành phố tổ chức triển khai và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế cho vay hỗ trợ DN, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển nông thôn mới, cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi dành cho 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục thực hiện đối thoại với DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn; triển khai chương trình kết nối ngân hàng và DN.

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của DN, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Cũng tại hội nghị, 16 tổ chức tín dụng ký kết ghi nhớ với NHNN chi nhánh TPHCM và Sở Công Thương Thành phố triển khai gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản phẩm chủ lực lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Thành phố.

Lê Anh

Top