ĐBSCL và TPHCM phải ‘3 cùng’ để phát triển

17/07/2019 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - ĐBSCL và TPHCM phải ‘3 cùng’, đó là cùng tồn tại, cùng hợp tác phát triển và cùng thắng.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong buổi làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIII với các địa phương khu vực ĐBSCL và TPHCM, ngày 16/7, tại TP. Cần Thơ.

Phó Thủ tướng cho biết, với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh; là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước khi đóng góp tới 56% sản lượng lúa của cả nước, 40% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây, trong đó phần lớn dành cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực nghèo so với cả nước và đang gặp nhiều thách thức cho phát triển thời gian tới. Cụ thể, ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; tài nguyên nước thượng nguồn bị khai thác mạnh làm giảm lượng nước, phù sa, nguồn lợi thủy sản…; xâm nhập mặn ngày càng sâu, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông nghiêm trọng…

Do đó, nhấn mạnh định hướng phát triển của vùng ĐBSCL tới đây, Phó Thủ tướng cho rằng, các tỉnh trong vùng cần bám sát và thực hiện 6 nhóm giải pháp chính của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết này trong tháng 6 vừa qua.

Theo đó, ĐBSCL cần tư duy mới trong định hướng không gian phát triển, nhanh chóng chuyển từ chống lũ, sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn; coi những khó khăn, thách thức đó là điều kiện, lợi thế mới để phát triển, trong đó có nuôi trồng thủy sản trên nước ngập mặn, phát triển các trung tâm điện gió, điện mặt trời…

Trong phát triển kinh tế, phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với các lĩnh vực thế mạnh như thủy sản, trái cây và lúa. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học cộng nghệ, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó, phát triển dịch vụ, du lịch, đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái, nét văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, cần phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng, trước hết là các tuyến đường bộ cao tốc nhằm tạo mạng lưới kết nối đường bộ, đường thủy, cảng biển, cảng sông. Đây là vấn đề mang ý nghĩa sống còn cho phát triển vùng ĐBSCL, giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của vùng và cũng là cho cả ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chỉ khi hạ tầng giao thông phát triển thì các tỉnh vùng ĐBSCL mới có khả năng kết nối với TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước để cùng liên kết, chia sẻ, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương.

Cùng với việc đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương trong vùng cần chú ý yếu tố xã hội trong phát triển, phải đảm bảo công bằng, thu hẹp bất bình đẳng, làm tốt an sinh xã hội, bài trừ lợi ích nhóm, loại bỏ tư tưởng cục bộ địa phương,...

Ngoài ra, giữ gìn, bảo vệ môi trường, trồng rừng ven biển để chống xói lở bờ biển; chống sạt lở sông, kênh rạch… cũng là những vấn đề đang đặt ra đối với các tỉnh thành khu vực ĐBSCL trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo.

Mạnh Hùng

Top