Để các trường tự chủ, cần bỏ trần biên chế

24/02/2017 7:38 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/2, tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM về thực hiện tự chủ, công tác xã hội hóa và định hướng phát triển ngành giáo dục TP đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, để các trường tự chủ, cần phải bỏ quy định về mức trần biên chế.

Nhiều học sinh tại TPHCM học 2 buổi/ ngày nhưng vẫn đi học thêm nên không có thời gian thể dục thể thao. Ảnh: VGP/Nguyên Nguyễn

Báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM do Giám đốc Lê Hồng Sơn trình bày cho biết, toàn TP hiện có 2.168 cơ sở giáo dục (trong đó đơn vị công lập là 1360) với tổng số 1,76 triệu học sinh.

Về vấn đề tự chủ biên chế và tổ chức, năm 2016 ngành giáo dục thành phố mới có 14 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường chuyên biệt, trường mầm non được phân cấp tuyển dụng. Đối với tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/ NĐ-CP, gần 100% đơn vị thực hiện tự chủ, nhưng tự chủ đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động chỉ có 5 đơn vị (chiếm 0,4%), còn lại mới tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, còn nhiều hạn chế, khó khăn trong thực hiện chủ trương tự chủ do cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ.

Cụ thể, cần tháo gỡ về quy định mức trần học phí, hiện các trường chỉ được thu cao nhất là 400.000 đồng/học sinh/tháng, rất thấp so với yêu cầu để thực hiện tự chủ. Một vướng mắc khác, đó là vấn đề biên chế, mặc dù thực hiện tự chủ nhưng các trường vẫn bị giao chỉ tiêu biên chế.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn như cơ sở vật chất không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh; giáo viên dạy tiếng Anh giỏi đạt chuẩn nhưng không được trả lương cao vì vướng quy định bậc lương, trong khi giáo viên Philippines được trả tới 2.000 USD/ tháng... Điều này khiến các trường công lập, giáo viên chưa phát huy hết khả năng, sự sáng tạo.

Về kế hoạch phát triển, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, mục tiêu 2016 - 2020 là 80% học sinh học 2 buổi/ngày. Hiện có 73% học sinh tiểu học và 99,16% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày, riêng bậc THCS và THPT còn thấp do không đảm bảo cơ sở vật chất. Năm 2020 ngành phải đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân; đồng nghĩa mỗi lớp 30 - 33 học sinh.

Mục tiêu đến năm 2030, giao quyền tự chủ cho các trường về công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Các trường tự quyết định học phí theo phương châm thu đủ bù chi để đảm bảo sự phát triển của nhà trường…

Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức biên soạn bộ SGK phù hợp dựa trên chương trình chung của Bộ GD-ĐT, chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở. Cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng...

Sau khi nghe các ý kiến, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, việc quy định biên chế như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các trường trong thực hiện tự chủ. Nên bỏ trần biên chế, để các trường tự quyết định số lượng giáo viên, miễn sao đủ khả năng trả lương và đảm bảo chất lượng và đúng định hướng.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, muốn giáo dục phát triển bền vững, cần phải đẩy mạnh thực hiện tự chủ, xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực từ xã hội, chỉ có như thế mới tạo ra được sản phẩm giáo dục chất lượng cao. Tuy nhiên, cần thực hiện theo lộ trình, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận của xã hội, tránh gây xáo trộn tâm lý hoặc lo ngại, búc xúc cho phụ huynh học sinh.

Và để thực hiện tự chủ thành công, ngành giáo dục phải mạnh dạn thí điểm đổi mới, căn cứ vào những quy định hiện hành, như Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM năm 2020 cho phép TPHCM đề  xuất Chính phủ thí điểm các vấn đề mới, hay Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục...

Bí thư Thành ủy cho rằng, TPHCM là đô thị lớn, đầu tàu về nhiều mặt trong đó có giáo dục, do đó nghành giáo dục của TP cần có lộ trình rất cụ thể trong đổi mới giáo dục, phải tìm cách vận dụng, và cần thiết thì kiến nghị xin cơ chế với Trung ương.

Nguyên Nguyễn

Top